Bạn đã gửi hàng tá hồ sơ tới các nhà tuyển dụng, nộp hồ sơ trực tuyến, và làm tất cả mọi thứ mà bạn thấy cần thiết để có được công việc mơ ước. Cuối cùng, họ cũng để ý đến bạn và bạn bắt đầu bước vào cuộc chiến phỏng vấn.
Hình ảnh minh họa
Hãy nhớ rằng khi bạn được mời đến phỏng vấn cho một vị trí, nghĩa là nhà tuyển dụng đã cảm thấy bạn có tố chất cho vị trí đó. Nhưng thực sự để tìm ra sự liên kết với người phỏng vấn bạn là một việc không hề dễ dàng, đôi khi cuộc hội thoại giữa bạn và họ không diễn ra suôn sẻ như bạn nghĩ.
Sau đây là một số dấu hiệu trong cuộc phỏng vấn cho thấy nhà tuyển dụng bắt đầu giảm sự quan tâm đến bạn – và mẹo nhỏ để bạn “cứu vãn” tình thế:
1. Nhà tuyển dụng chỉ hỏi những câu hỏi trong danh sách đã chuẩn bị sẵn của họ
Nhà tuyển dụng luôn chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn một danh sách các câu hỏi. Nhưng họ sẽ bắt đầu đi chệch hướng đã chuẩn bi sẵn bằng việc hỏi các câu hỏi bám sát theo những câu trả lời trước đó để phác họa một bức tranh rõ ràng hơn về bạn, qua đó đánh giá năng lực của bạn cho vị trí họ cần.
Tuy nhiên dấu hiệu cho thấy họ bắt đầu giảm sự quan tâm đến bạn, đó là họ chỉ hỏi những câu hỏi trong kịch bản đã chuẩn bị mà không đi vào chi tiết.
Làm sao để xoay chuyển tình thế: Thay đổi chiến thuật – trả lời câu hỏi của họ, nhưng hãy đặt ra câu hỏi cho họ. Hãy đảm bảo cuộc phỏng vấn của bạn là tương tác hai chiều. Cố gắng thu hút người đối diện. Dẫn dắt cuộc hội thoại theo hướng giúp chứng tỏ được kiến thức về công việc, về công ty và các kỹ năng của bạn.
2. Nhà tuyển dụng bắt đầu xao lãng bạn
Nếu nhà tuyển dụng bắt đầu xao lãng bạn trong cuộc phỏng vấn, đó là một dấu hiệu rõ ràng nữa cho thấy họ đang giảm sự quan tâm. Liệu họ có quay lại nhìn máy tính khi có một email mới đến? Sự giao tiếp qua ánh mắt giữa bạn và họ có giảm đi? Hoặc bạn bắt gặp họ quay ra nhìn đồng hồ trên bàn. Đó là lúc bạn cần tập trung cao độ trở lại ngay cho cuộc phỏng vấn.
Làm sao để xoay chuyển tình thế: Bạn nên nghiên cứu kỹ công ty và lĩnh vực bạn ứng tuyển khi chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn, và đây là thời điểm hoàn hảo để bạn “bung” những thông tin đó ra để tự quảng cáo cho mình một cách tốt nhất.
Đưa ra bình luận về một thông tin mới đúng lúc và hỏi xem nó tác động thế nào đến công ty. Rút ra kết luận về sự liên quan giữa xu hướng thị trường và những tác động có thể của nó đến các dòng sản phẩm và dịch vụ của công ty. Những chủ đề này luôn tạo ra tác động mạnh đến người phỏng vấn, và đó là một chiến thuật hữu hiệu để thu hút sự chú ý của họ.
3. Nhà tuyển dụng ngừng ghi chép
Khi một nhà tuyển dụng ngừng ghi chép trong cuộc phỏng vấn, đó là dấu hiệu cho thấy những gì bạn thể hiện không khiến họ tin rằng bạn là ứng viên phù hợp cho công việc. Có thể họ sẽ báo cáo lại chi tiết nội dung cuộc phỏng vấn cho ban lãnh đạo công ty, song chỉ những ứng viên có nội dung phỏng vấn được ghi chép cẩn thận mới có nhiều cơ hội đi tiếp.
Làm sao để xoay chuyển tình thế: Đừng hoảng loạn. Tập trung vào điều khiến nhà tuyển dụng quan tâm trong suốt cuộc phỏng vấn. Vậy những phản ứng nào từ bạn khiến họ muốn ghi chép lại và khi nào họ sẽ dừng?
Hãy cố gắng làm nổi bật các kỹ năng và kinh nghiệm khiến họ thấy hứng thú, ngay cả nếu bạn cảm thấy những chủ đề đó không phải là điểm mạnh nhất của bạn. Dẫn dắt cuộc hội thoại nhắm vào những điểm đó và nói về nó càng nhiều càng tốt, miễn là bạn đừng tỏ ra quá lố bịch đến không thể tin tưởng được.
4. Nhà tuyển dụng không hỏi bạn sẽ vận dụng kinh nghiệm của mình ra sao để mang lại lợi ích cho công ty
Cuộc phỏng vấn gần đi đến hồi kết, công việc của nhà tuyển dụng là tìm ra những nhân viên tiềm năng có thể đóng góp cho công ty. Nếu họ không chắc chắn bạn là người phù hợp, họ có thể sẽ không hỏi bạn về kinh nghiệm và các kỹ năng liên quan đến công việc.
Làm sao để xoay chuyển tình thế: Bạn nên tỏ ra tự hào về những gì đã đạt được trong sự nghiệp, nhưng nhấn mạnh vào những gì mà công ty đang cần. Nhớ lại xem, trong bản mô tả công việc, họ có nói rằng đang cần ai đó có thể tạo ra những bản thuyết trình xuất sắc? Hướng cuộc hội thoại của bạn đến đó. Hay họ đang tìm kiếm một người có khả năng làm việc nhóm tốt? Cho họ ví dụ bạn đã làm tốt việc đó ra sao trước đây.
Luôn đưa cuộc trò chuyện về điểm có thể khai tác tốt lợi thế của bạn, vì tất cả các công ty đều tìm kiếm những người có thể giải quyết tốt vấn đề của họ. Nếu họ chưa nhận thấy tiềm năng của bạn rõ ràng, bạn cần cho họ thấy ngay điều đó trong cuộc trò chuyện.
5. Nhà tuyển dụng không nhắc đến một cuộc phỏng vấn tiếp theo hay hẹn gặp trong tương lai
Kết thúc cuộc phỏng vấn, nhà tuyển dụng thường nói đến những bước tiếp theo trong quy trình phỏng vấn, chẳng hạn như khi nào bạn có thể nhận phản hồi từ họ, liệu có một cuộc phỏng vấn thứ hai hay không, và bất cứ thông tin nào khác mà họ nghĩ là cần thiết. Nếu họ không đưa ra lời nói nào về những cuộc hẹn gặp tương lai như thế, đó có thể là dấu hiệu họ không còn quan tâm đến bạn.
Làm sao để xoay chuyển tình thế: Cho người phỏng vấn biết bạn quan tâm đến công việc và công ty này như thế nào. Hỏi họ khi nào bạn có thể lắng nghe phản hồi từ họ hay về các bước tiếp theo. Tỏ ra lịch sự và tự tin khi đưa ra yêu cầu, điều này sẽ khiến họ ấn tượng rằng bạn là một người có ý định nghiêm túc với công việc.
Trong vòng 24 giờ sau cuộc phỏng vấn, bạn nên gửi một email trang trọng đến nhà tuyển dụng để cảm ơn họ vì đã cho bạn cơ hội tham gia cuộc phỏng vấn. Điều này không chỉ biểu hiện bạn là người lịch sự, mà còn giúp nhà tuyển dụng nhớ tới bạn cũng như cuộc trò chuyện với bạn trong tâm trí họ.
Không phải mọi cuộc phỏng vấn đều là suôn sẻ. Nếu bạn thấy rằng bạn không tìm được sự kết nối với người phỏng vấn, không có nghĩa bạn sẽ mất cơ hội. Nó chỉ có nghĩa bạn sẽ phải cố gắng nhiều hơn để tạo ấn tượng với họ. Hãy chuyển cuộc hội thoại theo hướng có thể giúp bạn ghi điểm và giành được lợi thế nhiều nhất.
Bài viết tham khảo: Nhà tuyển dụng: Thay đổi theo đổi thay