Với nỗ lực phi thường vượt qua nghèo khó, từ một kẻ nghèo không một xu dính túi, Andrew Carnegie trở thành người giàu thứ hai trong lịch sử cận và hiện đại, chỉ sau John D. Rockefeller.
Andrew Carnegie – ông vua thép của ngành công nghiệp Mỹ
Lớn lên trong một hoàn cảnh rất khó khăn, Andrew Carnegie không được đến trường như những đứa trẻ khác mà phải làm việc ngay từ nhỏ. Vì mưu sinh, năm 1845 gia đình ông nhập cư sang Mỹ. Andrew rất sáng dạ và đặc biệt ham học, cậu bé dành tất cả thời gian rảnh để tự học và học hỏi những người lớn tuổi và hiểu biết.
Sách là người bạn thân thiết của cậu bé Andrew, bao nhiêu sách cậu cũng đọc cho bằng hết. Không thể có tiền mua sách, Andrew lân la làm quen với tất cả những người có sách để mượn, để xin sách. Tài sản lớn nhất mà Andrew có chính là thư viện sách phong phú mà cậu sưu tập được.
Năm 1853, Andrew vào làm nhân viên ở hãng đường sắt Pennsylvania. Công việc này giúp ông tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm về công nghiệp đường sắt và kinh doanh nói chung. 3 năm sau, Carnegie được thăng chức làm người giám sát.
Nhờ đọc sách và quen biết một số người trong ngành đường sắt mà Andrew Carnegie dự đoán rằng ngành đường sắt sẽ rất phát triển và bùng nổ trong tương lai. Vì vậy, khi ông biết được một nhân viên đường sắt đang muốn bán hết cổ phần công ty đường sắt mà anh ta đang có với giá 600 USD, Andrew đã không bỏ lỡ cơ hội. Mặc dù 600 USD là một số tiền không hề nhỏ với Andrew nhưng ông quyết tâm vay mượn tiền để mua bằng được số cổ phiếu này. Chỉ ít lâu sau ông đã bán lại với giá hàng chục nghìn USD. Sự nghiệp kinh doanh của Andrew Carnegie bắt đầu từ đó.
Là nhà đầu tư cho ngành đường sắt, Andrew Carnegie đã sớm nhận thấy nhu cầu tiêu thụ sắt thép để đóng tàu và làm đường ray rất lớn. Nhu cầu xây cầu sắt thay thế các cầu gỗ đột nhiên bùng nổ khắp mọi nơi. Sự nhanh nhạy kinh doanh bẩm sinh đã khiến Andrew Carnegie quyết định chuyển sang đầu tư cho ngành sản xuất sắt thép. Ông thôi hẳn công việc của hãng xe lửa Pennsyvania đề lập một công ty sản xuất sắt thép.
Andrew Carnegie quyết định đầu tư lớn và đầu tư thật bài bản cho lĩnh vực sắt thép. Ông sang tận châu Âu để nghiên cứu công nghệ sản xuất thép. Nhiều công nghệ và bằng sáng chế mới nhất về sản xuất sắt thép đã được Andrew Carnegie mua lại và mang về Mỹ.
Năm 1868, xí nghiệp sản xuất thép của Andrew Carnegie ra đời. Chất lượng thép của Andrew Carnegie được coi là loại tốt nhất lúc ấy. Để làm đường ray xe lửa người ta toàn mua sắt của Andrew Carnegie vì tạp chất ít, chất lượng cao nên tuổi thọ đường ray tăng đáng kể. Andrew Carnegie sản xuất thép không kịp bán. Xưởng thép của ông được mở rộng liên tục.
Là con người nhạy cảm trong kinh doanh nhưng cũng rất thông minh trong kỹ thuật, Andrew Carnegie luôn để ý tìm cách tăng chất lượng sản phẩm. Ông hết sức quan tâm và theo dõi các phát minh mới và phát triển của công nghệ sản xuất hiện đại. Khi loại lò nung thép mới vừa mới ra đời thì ông gần như là người đầu tiên cho áp dụng ngay.
Trong 10 năm kế tiếp, Carnegie dành hầu hết thời gian cho ngành thép. Công việc của ông tại Công ty Thép Carnegie đã mở ra thời kỳ cách mạng hóa hoạt động sản xuất thép ở Hoa Kỳ. Carnegie xây dựng các nhà máy trên khắp đất nước, dùng các phương pháp và công nghệ giúp sản xuất thép dễ, nhanh và năng suất cao hơn.
Quá trình công nghiệp hoá phát triển càng nhanh thì nhu cầu sắt thép càng lớn. Sắt thép được cần ở mọi ngành nên Andrew Carnegie gần như không hề bị ảnh hưởng chút nào khi có một ngành công nghiệp nào đó bị trì trệ. Andrew Carnegie được mệnh danh là ông vua sắt thép của nước Mỹ sau khi ông đã gom mua thành công một loạt các công ty thép khác về cho mình như Công ty Homestead, Công ty Dicksen.
Năm 1901, Carnegie tiến hành thay đổi cuộc đời mình khi bán công ty cho United States Steel Corporation, thuộc sở hữu của huyền thoại tài chính J. P. Morgan. Thương vụ này mang về cho ông 480 triệu USD (tương đương 309,2 tỷ USD ở thời điểm hiện nay).
Ở tuổi 65, ông quyết định dùng hết thời gian còn lại để giúp đỡ người khác. Ông bắt đầu xây dựng thư viện, trường học và đóng góp từ thiện. Ước tính ông đã đóng góp 60 triệu USD cho các thư viện, 78 triệu USD cho giáo dục, tặng các giáo đường 7.000 đàn piano…
Bài viết tham khảo: Trở thành “Vua kính Italy” từ con số không và những năm tháng nhọc nhằn