Tên tuổi của Andrew Grove gắn liền với sự chuyển mình của Intel thành nhà sản xuất mạch vi xử lý hàng đầu thế giới. Một trong những quan điểm của ông: Không có điều gì có thể thôi thúc doanh nhân hơn việc anh ta nhìn thấy có ai đó đang chạy trước mình.
Andrew Grove sinh tại Budapest năm 1936. Năm 20 tuổi, ông sang Mỹ. Tại đây, ông nhận bằng kỹ sư hóa sau đó bảo vệ luận án Tiến sĩ và làm việc tại Fairchild Semiconductor, một trong những công ty cho xuất xưởng những mạch vi xử lý đầu tiên trên thế giới.
Ảnh: Andrew Grove
Năm 1968, ông chuyển đến công ty mới thành lập Integrated Electronics. Đây chính là tiền thân của Intel.
Năm 1979, Andrew Grove trở thành chủ tịch Intel và sau đó ông còn giữ chức Phó tổng giám đốc điều hành và Chủ tịch hội đồng quản trị của Intel.
Năm 2004, ông từ bỏ tất cả các chức vụ của mình ở Intel và chỉ còn là cố vấn trưởng của tập đoàn này.
Trị giá vốn hóa của Intel hiện nay vào khoảng 150 tỷ USD. Dưới đây ông bày tỏ quan điểm kinh doanh của mình: Thành công mang trong mình hạt giống của sự tự hủy diệt.
Nếu bạn càng thành công, thì xung quanh bạn càng có nhiều người muốn chiếm đoạt công việc kinh doanh của bạn cho đến khi bạn không còn gì cả.
Tôi nghĩ rằng, công việc chính của một nhân viên điều hành cao cấp là phải chống lại những sự tấn công từ bên ngoài và truyền tư tưởng này cho các nhân viên dưới quyền của mình.
Tôi cảm thấy bất an khi sản phẩm chậm xuất xưởng hoặc xuất xưởng trước thời gian đã định. Tôi cảm thấy không chịu nổi khi nhà máy làm việc tồi. Tôi lo lắng khi tập đoàn có quá nhiều nhà máy. Tôi không tin rằng đã tuyển dụng được đúng người và rất phiền lòng khi các nhân viên nản trí.
Không có điều gì có thể thôi thúc doanh nhân hơn việc anh ta nhìn thấy có ai đó đang chạy trước mình.
Tập đoàn là một cơ thể sống, chính vì vậy, thỉnh thoảng nó phải thay da đổi thịt. Các phương pháp làm việc phải thay đổi. Các giá trị phải thay đổi.
Trong lịch sử, tất cả các tập đoàn, không có ngoại lệ đều đến lúc phải thay đổi tận gốc rễ mọi hoạt động của mình để vươn lên một tầm cao mới. Nếu bạn bỏ lỡ thời điểm đó thì sẽ bắt đầu một quá trình trì trệ không thể cứu vãn nổi.
Khi lãnh đạo một công ty, bạn phải lên kế hoạch như ở trụ sở cứu hỏa: họ không thể đoán trước đám cháy tiếp theo sẽ xảy ra ở đâu, vì vậy, phải xây dựng một tập thể nhiệt tình và làm việc hiệu quả, một tập thể có thể hoạt động tốt trong điều kiện bình thường cũng như trong những điều kiện không thể tiên liệu trước.
Không ai có thể biết rõ thị trường viễn thông sẽ phát triển về hướng nào. Ví dụ, chính bản thân tôi cũng không thể hình dung được điều gì sẽ xảy ra. Vì vậy, khi đi trên một con đường không rõ điểm dừng, bạn hãy cố gắng đừng để rơi vào sự trì trệ thái quá.
Bởi vì đây là trách nhiệm nghề nghiệp của bạn – không được bao giờ trì trệ. Nếu để cho trạng thái này chiếm lĩnh bản thân, thì bạn sẽ không bao giờ có thể khuyến khích nhân viên có được những hành động phi thường.
Vì vậy, hãy cố gắng giữ vững tinh thần và ngẩng cao đầu – thậm chí, ngay cả khi bạn vẫn còn hoàn toàn chưa biết phải làm gì và tiến về hướng nào.
Người ta hay nói với tôi rằng: “Trong tương lai, mọi công ty đều sẽ trở thành một Internet-công ty”. Tôi còn tin vào điều này hơn hết thảy.
Thật sai lầm khi cho rằng Internet sẽ thay đổi tận gốc rễ tất cả mọi điều trong cuộc sống của chúng ta. Internet không thể thay đổi được cầu và cung.
Internet không phải là chiếc đũa thần có thể giúp bạn xây dựng công việc kinh doanh bằng nguồn tiền không bao giờ cạn của các nhà đầu tư dành cho sản xuất. Chắc chắn đến một lúc nào đó tiền cũng sẽ cạn và Internet không thể thay đổi được điều này.
Bài viết tham khảo: CEO Build-A-Bear Workshop: “Làm bạn” với sự liều lĩnh