Thông điệp của Gorman rất rõ ràng: ông quan tâm nhiều đến các con số hơn là làm đẹp lòng mát dạ những chuyên viên giao dịch “con cưng”. Khi mùa thưởng sắp đến gần, Jack DiMaio, chuyên viên giao dịch trái phiếu “ngôi sao” ở Morgan Stanley, muốn thưởng nhiều tiền hơn cho nhân viên của mình. Và thế là DiMaio đã đi thẳng vào văn phòng của sếp và đưa ra yêu cầu.
Ông James P. Gorman, Tổng Giám đốc Morgan Stanley
Nhưng năm đó là năm 2010 và thời thế đã thay đổi. Vị sếp lần này của DiMaio, Tổng Giám đốc James P. Gorman, là người rất cứng rắn.
Gorman nói rằng đã qua rồi thời kỳ Morgan Stanley chiều theo những đòi hỏi thưởng cao trong khi lợi nhuận ít ỏi. Gorman cũng chẳng thèm nói giảm, nói tránh, hay nói nhỏ nhẹ như cách các nhà quản lý thường làm để khích lệ tinh thần khi công ty đang thiếu tiền.
DiMaio không lâu sau đó đã nghỉ việc. Nhưng không vì thế mà các chuyên viên giao dịch khác cũng nghỉ theo, vì Phố Wall thời hậu khủng hoảng không có nhiều nơi để họ có thể đi. Gần 4 năm sau, Morgan Stanley đã đạt kết quả kinh doanh rất khả quan. Nhưng ngân hàng đầu tư suýt nữa là phá sản vào năm 2008 này giờ đã mang một bộ mặt rất khác.
Thay vì chơi trò mạo hiểm ở thị trường giao dịch trái phiếu sinh lợi cao nhưng đầy rủi ro, Gorman đã và đang tập trung vào các cách kiếm tiền an toàn hơn. Các chuyên viên môi giới chứng khoán của Morgan Stanley giờ là những người đóng góp chủ yếu vào lợi nhuận của Ngân hàng.
Ngân hàng 78 tuổi đời này, sau vụ tai tiếng liên quan đến đợt bảo lãnh phát hành IPO cho Facebook hồi năm 2012, cũng đã trở thành đơn vị bảo lãnh phát hành các đợt IPO trong ngành công nghệ được săn đón nhất. Morgan Stanley giờ nằm trong nhóm các đơn vị bảo lãnh phát hành cho đợt IPO của Alibaba Group đang được nhiều người trông đợi.
Trong khi Morgan Stanley đang trở thành một thế lực đáng gờm tại Phố Wall thì vị Tổng Giám đốc của nó vẫn khá kín tiếng. “Tôi như người vô hình và như vậy thì tốt thôi”, ông nói. Nhà đầu tư dường như không quan tâm đến việc ông có nổi tiếng hay không, vì giá cổ phiếu của Morgan Stanley đã tăng gấp đôi trong 2 năm qua.
“James chưa bao giờ quan tâm đến việc được người khác có thích hay không. Ông chỉ đảm bảo rằng mọi người tôn trọng ông. Tôi không có quan hệ bạn bè thân tình với ông nhưng tôi rất tôn trọng ông ấy”, Brian C. Pfeifler, một trong những chuyên gia tư vấn tài chính hàng đầu của Morgan Stanley, nhận xét.
Trước lời nhận xét như vậy, Gorman chỉ nói rằng: “Tôi nghĩ bất cứ ai nói rằng họ không quan tâm việc có được người khác thích hay không là nói dối. Bản thân tôi rất quan tâm đến việc chú chó nhà tôi có quẫy đuôi mỗi khi tôi về đến nhà. Nhưng bạn sẽ không thể làm hài lòng tất cả mọi người”.
Tài năng và một chút may mắn
Gorman sinh ra trong một gia đình có 10 anh chị em ở Melbourne, Úc. Lớn lên, ông theo đuổi ngành luật và có một thời gian ngắn theo nghề luật ở Úc trước khi sang New York học Trường Kinh doanh Columbia.
Ông đầu quân cho hãng tư vấn McKinsey. Năm 1999, sau hơn 10 năm làm việc trong lĩnh vực tư vấn, ông về làm cho Merrill Lynch, một khách hàng của McKinsey với vị trí Giám đốc Marketing. Chỉ trong vòng 2 năm, ông được giao trọng trách giám sát lực lượng môi giới hùng hậu của ngân hàng này với vai trò là người đứng đầu mảng quản lý tài sản. Phục vụ cho nhiều loại đối tượng khách hàng bán lẻ đã đưa Merrill trở thành một cái tên hộ gia đình, nhưng dưới sự điều hành của ông, bộ phận quản lý tài sản đã chuyển hướng sang tập trung vào nhóm khách hàng cao cấp hơn.
Với sự trỗi dậy của các công ty dịch vụ tài chính như Charles Schwab và E*Trade, những năm tháng huy hoàng ở Merrill cũng dần chấm dứt. Gorman đã đối phó bằng cách sàng lọc lực lượng môi giới và cắt đứt các khoản chi tiêu xa xỉ xưa nay của họ. Biên lợi nhuận nhờ đó mà tăng trở lại, nhưng những thay đổi mà ông thực hiện ở Merrill khiến cho ông không có nhiều bạn bè.
Khác với người tiền nhiệm John Mack, Gorman không phải là kiểu người thích tham gia các buổi tiệc tùng. Ông luôn nghiêm túc với đồng nghiệp, thậm chí có một chút xa cách và có thể là một ông chủ đòi hỏi rất cao.
“Nếu muốn một phong cách thân thiện kiểu như vỗ vai, hỏi han giống như John Mack thì bạn đừng mong tìm thấy điều đó ở James”, một nhà tài chính lâu năm ở Phố Wall nhận xét.
Không ai phủ nhận Gorman là một nhà điều hành chuyên nghiệp và có tài, nhưng đôi khi may mắn cũng quan trọng không kém. Một trong những may lớn nhất của Gorman là ông được Morgan Stanley chiêu dụ về làm vào năm 2006.
Ông rời khỏi Merrill Lynch trước khi ngân hàng này bị ngập trong mức lỗ lên tới hàng chục tỉ USD liên quan đến vụ xì hơi bong bóng nhà đất Mỹ và kết cục cuối cùng là bị Bank of America thâu tóm vào năm 2008.
Khi phỏng vấn Gorman vào năm 2005, John Mack, lúc đó là Tổng Giám đốc Morgan Stanley, cho biết rất ấn tượng với Gorman vì ông không hề bị nhiễm cái thói tự phụ, kiêu kỳ. “Ông ấy chỉ nói là “tôi muốn làm việc cho tổ chức của anh”.
Vị sếp ban đầu của Gorman không phải là Mack, mà là Zoe Cruz, vị đồng Chủ tịch được xem là ứng cử viên sáng giá nhất thay cho John Mack. Thế nhưng, Cruz không làm sếp Gorman được lâu.
Chưa đầy 2 năm sau khi Gorman gia nhập Morgan Stanley, các chuyên viên giao dịch của Ngân hàng đã tạo ra thua lỗ lên tới 9,4 tỉ USD, kết quả của canh bạc đặt cược vào nợ dưới chuẩn. Khoản lỗ ở bộ phận giao dịch đã khiến cho bộ phận quản lý tài sản của Gorman thêm tỏa sáng, không chỉ vậy còn dẫn đến sự ra đi đột ngột của bà Cruz.
Gorman được thăng chức lên vị trí đồng Chủ tịch, nâng sức ảnh hưởng của ông và đưa ông vào nhóm các nhà điều hành được báo cáo trực tiếp cho CEO John Mack. Khi đó, Gorman đã tuyên bố một thông điệp rất thẳng thừng: Trong lĩnh vực quản lý tài sản, Morgan Stanley phải trở thành một ông lớn, còn không thì rút về nhà. Ông nói “chúng ta không thể là kẻ đứng giữa nửa vời”.
Mặc dù cuộc khủng hoảng tài chính vào mùa thu năm 2008 gần như nhấn chìm Morgan Stanley nhưng nó cũng tạo cơ hội cho ngân hàng này thoát xác trở thành một định chế đáng gờm trong lĩnh vực quản lý tài sản.
Sau khi được Chính phủ Mỹ giải cứu cùng với khoản tài trợ 9 tỉ USD từ ngân hàng lớn nhất của Nhật, Mack và Gorman mới đẩy mạnh kế hoạch bành trướng ở mảng quản lý tài sản.
Trước khủng hoảng, Morgan Stanley đã muốn mua lại Smith Barney, bộ phận môi giới bán lẻ ăn nên làm ra của Citigroup, nhưng không mua được vì quá mắc. Nhưng giờ Citigroup đang gặp khó khăn (Chính phủ Mỹ đã 2 lần giải cứu Citigroup vào năm 2008, khi bơm tổng cộng 45 tỉ USD), Gorman và Mack biết rằng vị CEO của Citigroup lúc đó, Vikram Pandit, đang rất cần vốn.
Morgan Stanley không thể một cái đớp mà nuốt ngay được con cá quá lớn như Smith Barney và bản thân Citigroup cũng không muốn “nhả” ngay đứa con cưng này ra. Vì thế Mack và Gorman đã đưa ra một đề nghị có lợi cho cả hai bên: Với khoản tiền thanh toán ban đầu 2,75 tỉ USD, Morgan Stanley được mua lại 51% cổ phần của Smith Barney cùng với đó là quyền được mua số cổ phần còn lại với giá được xác định trong một thời điểm ở tương lai.
Ban đầu, liên doanh mới cũng gặp khó khăn do chi phí cao và phải đầu tư lớn vào công nghệ, nên làm suy giảm biên lợi nhuận. Nhưng vì chi phí được san sẻ với Citigroup nên gánh nặng của Morgan Stanley cũng giảm phần nào.
Sau khi Gorman trở thành Tổng Giám đốc vào năm 2012, Morgan Stanley đã ở vị thế sẵn sàng để mua 49% cổ phần còn lại ở Smith Barney. Đây là thương vụ khó nuốt đối với Gorman, vì Citigroup đòi bán với giá 22,5 tỉ USD nhưng cuối cùng ông đã chốt được ở giá chỉ 13,5 tỉ USD.
Vào năm 2012, khi thương vụ mua bán này được đàm phán, bộ phận quản lý tài sản của Morgan Stanley chỉ mang lại mức lợi nhuận 1,6 tỉ USD với biên lợi nhuận 12%.
Vào năm 2013, sau khi Morgan Stanley đã thâu tóm hoàn toàn Smith Barney, bộ phận này đã mang về 2,6 tỉ USD với biên lợi nhuận tăng lên mức 18%.
“Bạn phải tự tạo ra vận may cho mình trong thế giới này. Cả hai bên cùng chia sẻ chi phí nhưng Morgan Stanley lại được hưởng hết quả ngọt”, Glenn Schorr, chuyên gia phân tích tại ISI International Strategy & Investment, nhận xét.
Qua thương vụ này có thể thấy tài thương thuyết và sự sừng sỏ của Gorman trong thương trường. Thương vụ này cũng buộc nhiều người trong Morgan Stanley phải nhìn lại chiến lược bán lẻ của Gorman bằng con mắt khác, vì trước đây chính những người này đã xem môi giới bán lẻ là một lĩnh vực không đáng để họ quan tâm.
Nhà quản lý tài sản hay nhà giao dịch?
Morgan Stanley đã giảm quy mô của mảng giao dịch trái phiếu và thu nhập cố định sau năm 2011 trong khi bành trướng mảng quản lý tài sản
Mặc dù Morgan Stanley đang trở thành một đơn vị quản lý tài sản hơn là một nhà giao dịch nhưng giao dịch vẫn là một bộ phận làm ăn khấm khá, nhất là giao dịch cổ phiếu. Tổng doanh thu từ bộ phận giao dịch của Morgan Stanley dự kiến đạt xấp xỉ 11 tỉ USD trong năm nay, ít hơn mức 13,2 tỉ USD của đối thủ Goldman Sachs. Thế nhưng, trong quý I, mảng thu nhập cố định đạt kết quả cao hơn so với dự kiến, nhờ đó đẩy cao lợi nhuận toàn ngân hàng.
Gorman cũng tiếp tục đẩy mạnh mảng ngân hàng đầu tư truyền thống. Dù bị chỉ trích sau vụ bảo lãnh phát hành cho IPO của Facebook cách đây 2 năm nhưng ông đã giành được sự ủng hộ và lòng trung thành của các nhà điều hành và các chuyên viên giao dịch khi ông lên tiếng bảo vệ nhân viên của mình trước vụ việc xảy ra.
Cổ phiếu của Facebook ban đầu đã giảm giá mạnh sau đợt IPO, một phần là do sự cố kỹ thuật. Các cơ quan quản lý đã phạt Morgan Stanley 5 triệu USD, vì cho rằng Ngân hàng đã không chia sẻ thông tin về triển vọng lợi nhuận của Facebook một cách công bằng giữa các nhà đầu tư lớn và nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Thế nhưng, với việc giá cổ phiếu Morgan Stanley tăng mạnh dưới thời của Gorman đã khiến cho các nhà phê bình ông cũng im thin thít. Một yếu tố khác là việc giá cổ phiếu Facebook tăng mạnh gần đây cũng đã dẹp tan lời xì xào về những sơ sẩy của Morgan Stanley trong đợt IPO Facebook.
Đến nay, Morgan Stanley đã đạt xấp xỉ quy mô về doanh thu so với đối thủ trực tiếp Goldman Sachs, với mức doanh thu dự kiến dưới 33 tỉ USD trong năm 2014. Tuy nhiên, Goldman Sachs lại kiếm được lãi cao hơn nhiều, dự kiến 6,8 tỉ USD trong năm nay so với 4,5 tỉ USD của Morgan Stanley.
Dẫu vậy, vẫn có những thị trường ngách mà Morgan Stanley cho thấy sự nổi trội. Chẳng hạn, Morgan Stanley đã qua mặt Goldman trong những năm gần đây khi được xếp thứ nhất tại Phố Wall về bảo lãnh phát hành cho các đợt IPO liên quan đến lĩnh vực công nghệ.
Để có được kết quả này, Gorman đã có những quyết định rất khó khăn. Năm 2012, ông đã phải quyết định xem trong số 2 nhà điều hành không ưa gì nhau là Colm Kelleher và Paul Taubman, ai sẽ là người điều hành bộ phận ngân hàng đầu tư và giao dịch của Morgan Stanley.
Gorman đã tuyển dụng Kelleher vì cho rằng Kelleher là nhà quản lý giỏi hơn. Ông chấp nhận để cho Taubman ra đi dù biết rằng Taubman là một chuyên gia đàm phán xuất sắc (kể từ khi rời khỏi Morgan Stanley, một mình Taubman đã tư vấn cho các thương vụ trị giá tổng cộng tới 210 tỉ USD). “James luôn phải đưa ra các quyết định rất khó khăn, biết rất rõ rằng có thể sẽ có hậu quả từ các quyết định này và ông sẵn sàng hứng chịu nếu điều đó xảy ra”, Lewis W. Bernard, một nhà điều hành cấp cấp cao tại Morgan Stanley, nhận xét.
Trong khi đó, ông Brian Pfeifler, nhà tư vấn tài chính cấp cao tại Morgan Stanley thì nhận xét: “Một CEO giỏi có 4-5 quyết định quan trọng phải đưa ra. Và James đã có những quyết định lớn rất đúng đắn”.
Bài viết tham khảo: Andrew Grove – Huyền thoại của tập đoàn Intel