Trong giới chính trị gia Mỹ, không ai có thể sánh được ngài Thị trưởng New York – Michael Bloomberg về khía cạnh giàu có. Ông là chủ tịch tập đoàn Bloomberg LP và là một trong những người đứng đầu danh sách các tỷ phú quyền lực nhất thế giới, một trong số 12 tỷ phú lập nghiệp từ bàn tay trắng.
Theo danh sách mới nhất của Forbes, ông có tổng tài sản 22 tỷ USD và là người giàu thứ 20 trên thế giới.
Tầm vóc “người khổng lồ”
Kinh tế suy yếu, hàng loạt tỷ phú rớt hạng, nhưng Michael Bloomberg lại khác. Ông ghi tên mình vào vị trí dẫn đầu danh sách những tỷ phú quyền lực nhất hiện nay. Ông đang khiến cả thế giới khâm phục và ngưỡng mộ.
Sinh ra trong một gia đình bình dân, ông sớm được tiếp xúc với sách vở thông qua cửa hàng sách nơi cha ông làm việc.
Theo học tại Đại học Johns Hopkins và làm việc như một nhân viên tại bãi đậu xe để trả tiền học phí, đến năm 1964, ông tốt nghiệp cử nhân kỹ thuật điện. Sau đó, ông tiếp tục nhận được bằng Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh từ Trường Harvard danh tiếng.
Sau những năm tháng miệt mài vừa làm vừa học, năm 1973 với hành trang là những bằng cấp loại ưu, Michael Bloomberg bắt đầu đến phố Wall – trung tâm tài chính của nước Mỹ làm việc cho công ty Solomo Brothers.
“Thị trưởng 1 USD”
Nổi tiếng ở lĩnh vực kinh doanh, danh tiếng của ông trên chính trường cũng không hề kém cạnh. Trước khi chuyển sang là đảng viên Đảng Cộng hòa năm 2001 thì ông đã từng đứng trong hàng ngũ của Đảng Dân chủ Mỹ.
Cũng trong năm này, ông thắng cử chức Thị trưởng thành phố New York và tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2005.
Đến năm 2007 thì ông rời Đảng Cộng hòa và tiếp tục tranh cử nhiệm kỳ thứ ba trong năm 2009 dưới tư cách là một chính trị gia độc lập. Và kết quả, ông đã tái đắc cử lần 3 trong cuộc bầu cử này vào ngày 3/11/2009.
Khi nhậm chức Thị trưởng, Bloomberg đã từ chối mức lương mà thành phố cung cấp, chỉ nhận khoản thù lao 1 USD mỗi năm. Ông cũng cho biết, thường xuyên di chuyển bằng tàu điện ngầm từ nhà đến tòa thị chính.
Ngay từ nhiệm kỳ đầu tiên, Bloomberg đã khiến số tội ác giảm tới 20%, tạo ra việc làm bằng cách hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ. Ông cũng mở mang thêm nhiều công viên và thiết lập các chương trình chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, thậm chí ban hành lệnh cấm thuốc lá tại các nhà hàng, quán bar.
Vào ngày 22/3/2012 – Hội nghị thế giới và thuốc lá và sức khỏe, ông cũng đã công bố tài trợ 220 triệu USD trong bốn năm tới cho cuộc chiến chống thuốc lá trên toàn cầu.
Ngoài ra, ông còn dành nhiều thời gian và tiền bạc cho hoạt động xã hội. Ông cấp rất nhiều học bổng, tham gia gây quỹ, tặng quà cho những đối tượng khó khăn trong xã hội và với việc thành lập tổ chức Bloomberg School of Public Health, ông đã biến nơi này thành một cơ quan nghiên cứu và đào tạo về sức khỏe cộng đồng hàng đầu trên thế giới.
Trong chuyến viếng thăm Việt Nam và Singapore lần này, ông cũng đã có lịch trình sẵn trao giải cho đại diện các quỹ từ thiện của mình tại đây.
Lý giải cho sự thành công ở vai trò Thị trưởng New York, người ta cho rằng, vì Bloomberg đã coi thành phố như chính doanh nghiệp của mình, luôn ý thức tuyệt đối giữ chữ tín với người dân thành phố này.
Micheal Bloomberg là hình mẫu lý tưởng của các chính trị gia trên khắp thế giới, đồng sáng lập một liên minh của hơn 200 thị trưởng trên toàn nước Mỹ. Ngoài ra, ông còn là người sáng lập và thành viên tích cực của nhiều tổ chức giáo dục, văn hóa và từ thiện.
Bốn điều làm nên thành công
Mặc dù đạt được những thành tựu vượt bậc trên cả hai lĩnh vực kinh doanh và chính trị, nhưng Michael Bloomberg vẫn giữ những thói quen cũ. Ông vẫn sống trong ngôi nhà cũ của mình trong khu Manhattan thay vì phải chuyển đến sống trong ngôi biệt thự dành riêng cho thị trưởng thành phố. Mỗi ngày ông vẫn đến sở làm việc bằng xe điện ngầm. Phong cách sống đúng mực và làm việc hết mình đã giúp ông có được những thành công trong sự nghiệp.
Trong một buổi nói chuyện với sinh viên tại trường Dartmouth College tiểu bang New Hampshire, Michael Bloomberg đã chia sẻ 4 điều làm nên thành công của ông:
Độc lập: Suy nghĩ một cách độc lập và riêng biệt. Có độc lập trí tuệ, mới có hi vọng nảy sinh sáng kiến, ý tưởng lớn cho con đường đi đến thành công của riêng bạn. Đồng thời, hãy chia sẻ với những cộng sự của bạn những sáng kiến và ý tưởng tốt.
Như một nhà khoa học đã nói: “Lòng dũng cảm và tính độc lập của tư duy, khả năng kỳ diệu của trí tưởng tượng là những tính chất cho phép con người nhìn trước được hướng đi đúng.”
Sáng tạo: Bloomberg đã kể lại việc ông bị sa thải vào năm 1981 và điều đó đã trở thành sức mạnh giúp ông khai sinh ra một Bloomberg LP như hiện nay. “Sống tốt là sự trả thù tốt nhất” – Đây được coi là một phương châm sống của Bloomberg và ông cũng nhấn mạnh với các sinh viên có mặt trong buổi nói chuyện: “Không bao giờ được quên điều đó”.
Rộng lượng: Một lời khuyên nữa mà Bloomberg chia sẻ là tầm quan trọng của công việc từ thiện. Điều này đặc biệt quan trọng trong giới kinh doanh và doanh nghiệp.
Từ thiện có thể là chiếc chìa khoá để kết nối những tấm lòng và kết nối những điều mà chúng ta không thể ngờ tới. Chắc chắn đó là những điều hết sức có lợi và có ý nghĩa.
Chuẩn bị sẵn sàng: Vị thị trưởng đáng kính này đã khuyến cáo các sinh viên rằng: “Con đường sự nghiệp của mỗi người không phải lúc nào cũng như ta dự định. Nhưng điều đó không có nghĩa là các bạn không chuẩn bị đường đi cho nó”.
Thành công của Bloomberg không phải là điều phi thường. Không có gì lạ khi ông trở thành tỉ phú quyền lực nhất nước Mỹ. Michael Bloomberg xứng đáng với vị trí hiện tại, bởi ông đã dám mơ ước, hoạch định và biến ước mơ của mình thành hiện thực. Luôn chuẩn bị sẵn sàng, độc lập và toàn tâm toàn ý hoàn thành mục tiêu sự nghiệp. Trong thành công của ông, hoàn toàn không có chỗ cho sự may mắn.
Ở tuổi 70, đương kim thị trưởng New York vẫn miệt mài cống hiến, với mức “đòi hỏi” thù lao chỉ 1 USD/năm. “Tôi chưa thể dừng lại” là lời thừa nhận của Michael Bloomberg sau những gì ông đạt được.
Bài viết tham khảo: Jeff Bezos và bí quyết gây dựng Amazon