Việc loại hình thức sa thải ra khỏi các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động trong quy định mới của Bộ luật Lao động 2012 gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Sa thải trái pháp luật là việc người sử dụng lao động đưa ra quyết định kỷ luật sa thải không phù hợp với quy định của pháp luật.
Trước đây, theo quy định của Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 1994, sa thải được xếp vào một trong các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động. Khi đó, biện pháp khắc phục nếu việc đơn phương chấm dứt hợp đồng của người sử dụng lao động là trái luật thì người sử dụng lao động buộc phải nhận người lao động trở lại làm việc và phải bồi thường một khoản tiền tương ứng với tiền lương trong những ngày người lao động không được làm việc. Trường hợp người lao động không muốn trở lại làm việc thì được trợ cấp thôi việc.
Ngoài ra, nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước, bên vi phạm phải bồi thường một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.
Tuy nhiên, theo quy định mới hiện nay của BLLĐ 2012, sa thải đã không còn được xem là một trong các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động.
Nếu doanh nghiệp đưa ra quyết định kỷ luật sa thải trái pháp luật thì biện pháp khắc phục sẽ như thế nào khi không thể áp dụng biện pháp khắc phục của các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật như trước đây?
Hệ quả của sự thay đổi này đã thể hiện khá rõ qua các vụ kiện gần đây của người lao động đối với người sử dụng lao động về việc sa thải trái pháp luật.
Hiện nay, Nghị định 33/2003/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 41/CP/NĐ-CP hướng dẫn về kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất vẫn còn hiệu lực áp dụng, nghĩa là sa thải vẫn được liệt kê vào các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động.
Nghị định 95/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 10/10/2013, tuy không phải là văn bản hướng dẫn chi tiết BLLĐ 2012 về kỷ luật lao động nhưng đã gián tiếp chỉ ra biện pháp khắc phục cụ thể cho trường hợp sa thải trái pháp luật.
Căn cứ vào điều khoản quy định về kỷ luật lao động trái pháp luật, ngoài việc bị phạt hành chính với số tiền từ 10 triệu đến 15 triệu đồng (Điểm c Khoản 3 Điều 15 NĐ 95), người sử dụng lao động xử lý kỷ luật sa thải trái pháp luật buộc phải nhận người lao động trở lại làm việc và trả đủ tiền lương cho người lao động trong những ngày đã sa thải trong trường hợp xử lý kỷ luật lao động sa thải người lao động đối với hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động.
Tuy nhiên, Nghị định này không đề cập đến khoản tiền bồi thường cho người lao động trong trường hợp này. BLLĐ 2012 có hiệu lực từ ngày 1/5/2013 và hiện nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn mới về vấn đề xử lý kỷ luật lao động.
Bài viết tham khảo: Thư nghỉ việc kỳ lạ của lãnh đạo Google