Thông tin của ILO mới đây cho thấy năng suất của lao động Việt Nam năm 2013 chỉ bằng 1/15 năng suất lao động của người Singapore và cũng chỉ bằng 1/5 so với Malaysia và 2/5 so với Thái Lan.Ông Malte Luebker, chuyên gia cao cấp của Tổ chức Lao động Quốc tế tại Châu Á-Thái Bình Dương cho biết có hai con đường để tăng năng suất lao động.
Ông Malte Luebker, chuyên gia cao cấp của Tổ chức Lao động Quốc tế tại Châu Á-Thái Bình Dương
Theo ông, tại sao lại có sự chênh lệch lớn về năng suất lao động của Việt Nam và một số quốc gia ASEAN khác ?
Ở một cấp độ rộng hơn, năng suất lao động là một hàm số phản ánh cơ cấu kinh tế của một quốc gia. Báo cáo của ILO/ADB gần đây cho thấy năng suất lao động trong ngành chế tạo và các dịch vụ cao cấp cao hơn rất nhiều so với ngành nông nghiệp. Ở những quốc gia như Cambodia, Lào và Việt Nam vẫn còn một bộ phận lớn lực lượng lao động làm việc trong ngành nông nghiệp, vậy nên có thể có năng suất lao động chung thấp hơn. Ngược lại, Singapore có thể có mức năng suất lao động cao hơn, bởi vì nền kinh tế của nước này chủ yếu dựa vào ngành chế tạo và các dịch vụ cao cấp như tài chính và bảo hiểm. Tương tự, những quốc gia có nhiều lao động làm việc trong nền kinh tế phi chính thức(ở đó, người lao động thường không được tiếp cận với những công nghệ mới nhất hoặc hiện đại nhất) có thể có năng suất lao động chung thấp.
Vậy theo ông làm thế nào để tăng năng suất lao động ?
Có hai con đường để tăng năng suất lao động cho các quốc gia ASEAN. Một là tăng hiệu quả của các ngành công nghiệp chính bằng cách áp dụng công nghệ mới, nâng cấp máy móc và đầu tư vào đào tạo kỹ năng và đào tạo nghề. Tuy nhiên, năng suất lao động có thể tăng nhiều nhất thông qua con đường thứ hai – chuyển dịch sang các hoạt động có giá trị gia tăng lớn hơn. Bởi vậy, các quốc gia cần chuyển dịch từ nông nghiệp và các ngành dịch vụ cấp thấp sang các ngành chế tạo và các ngành dịch vụ cao cấp. Để làm được điều này, các chính phủ cần cung cấp cơ sở hạ tầng có chất lượng, hệ thống giáo dục và phát triển kỹ năng tốt, và các doanh nghiệp cần có khả năng đầu tư và nắm bắt cơ hội.
Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ tác động đến năng suất lao động của Việt Nam như thế nào ?
Theo báo cáo gần đây của ILO/ADB, Cộng đồng kinh tế ASEAN tạo ra tiềm năng lớn để các nước có thể chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ các ngành có năng suất lao động thấp sang các ngành có năng suất lao động cao. Với lợi thế lực lượng lao động có trình độ giáo dục và kỹ năng vững chắc về đọc viết và tính toán, Việt Nam có thể là một trong những quốc gia được hưởng lợi nhiều từ quá trình này. Nếu Việt Nam tiếp tục cải thiện chất lượng giáo dục và đào tạo, đặc biệt là ở cấp phổ thông trung học và cải thiện chất lượng của các cơ sở đào tạo nghề, Việt Nam sẽ nắm bắt được những cơ hội này. Ngoài ra, Việt Nam cũng nên đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng nông thôn.
Tại sao, việc tăng năng suất lao động lại quan trọng đối với Việt Nam ?
Báo cáo gần đây của ILO/ADB chỉ ra rằng tăng năng suất lao động đóng vai trò quan trọng đối với việc tăng lương thực tế và cải thiện mức sống của người lao động về dài hạn. Khi mức giá trị gia tăng bình quân trên mỗi người lao động tăng lên, doanh nghiệp có thể có khả năng trả lương cao hơn trong khi vẫn duy trì khả năng cạnh tranh. Bởi vậy, bằng cách tăng năng suất lao động, Việt Nam và các quốc gia ASEAN khác có thể cạnh tranh ở các thị trường xuất khẩu dựa trên năng suất lao động cao thay vì dựa vào mức lương thấp. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa năng suất lao động cao hơn và mức lương cao hơn không phải ngẫu nhiên mà có. Các quốc gia cần xây dựng những thể chế xác định tiền lương vững chắc để đảm bảo rằng việc tăng năng suất lao động có thể mang lại mức lương cao hơn cho người lao động. Việt Nam gần đây đã có một bước tiến quan trọng theo hướng này với sự ra đời của Hội đồng Tiền lương Quốc gia.
Vậy, năng suất lao động có cho chúng ta thấy mức độ chuyên cần của lực lượng lao động của một quốc gia hay không ?
Theo tôi, không thể đánh giá năng suất lao động thông qua trực quan như vậy. Năng suất lao động của một quốc gia hầu như không thể phản ánh mức độ chuyên cần và khả năng của người lao động của quốc gia đó. Năng suất lao động tổng cũng không cho thấy được sự khác nhau về năng suất lao động giữa các ngành, nghề và đặc biệt là các nhóm doanh nghiệp. Năng suất lao động của một quốc gia trước hết phụ thuộc vào mức độ hiệu quả sử dụng lao động kết hợp với các yếu tố sản xuất khác, như máy móc và công nghệ, và lượng máy móc và công nghệ mà một người lao động của quốc gia đó được sử dụng. Bởi vậy nếu từ các thống kê về năng suất lao động mà kết luận rằng người lao động ở Malaysia hoặc Singapore có thể tạo ra một sản phẩm cụ thể nào đó nhanh hơn người lao động ở Việt Nam là không đúng.
Bài viết tham khảo: Bí quyết làm việc ít giờ nhưng đạt hiệu quả cao của người Đức