Lloyd Blankfein là Giám đốc điều hành (CEO) tuổi Ngọ tài giỏi của Goldman Sachs – tập đoàn tài chính thành công nhất phố Wall. Con đường từ một cậu bé nghèo khó đến vị trí CEO của Lloyd Blankfein không hề trải đầy hoa hồng. Không chỉ sự nghèo khó hun đúc ý chí, mà ở con người ông luôn chứa đựng khát khao được khám phá và cống hiến để thành công. Ông đã vươn lên đứng đầu giới tài chính Mỹ vốn được xem là khốc liệt nhất thế giới bằng những tính cách rất riêng, trở thành 1 trong 50 nhân vật quyền lực nhất thế giới.
Từ một cậu bé bán nước giải khát tại sân vận động cho đến việc dần dần thay thế vị trí của các lãnh đạo tại Goldman Sachs để trở thành CEO, phải chăng Lloyd Blankfein đang sống trong giấc mơ Mỹ của riêng ông?
Một tuổi thơ nghèo khó
Lloyd Blankfein sinh ngày 20/9/1954 trong một gia đình Do Thái thuộc tầng lớp lao động nghèo khổ. Cậu bé Blankfein đã lớn lên trong một căn hộ thuộc dự án nhà ở công cộng ở phía đông New York, một trong những khu dân cư nghèo nhất ở quận Brooklyn.
Sau khi mất việc tại một tiệm bánh ngọt, cha của Blankfein, ông Seymour, đã nhận làm việc phân loại thư buổi đêm tại bưu điện. Blankfein kể lại: “Trong khu vực của chúng tôi lúc đó, công việc như vậy đã quá tốt rồi. Làm ca đêm lương cao hơn 10% so với ca ban ngày. Trong suốt những năm cuối đời của bố tôi, tôi đã nghĩ rằng ông đang làm một công việc mà chỉ có cái máy mới có thể làm tốt và hiệu quả hơn”. Trong khi đó, mẹ của Blankfein làm lễ tân tại một công ty kinh doanh chuông chống trộm, một trong số ít lĩnh vực kinh doanh phát triển tốt tại khu vực của ông lúc bấy giờ.
Blankfein luôn là một học sinh xuất sắc ở trường. Để kiếm chút tiền trang trải học hành tại Trường trung học Thomas Jefferson, Blankfein đi làm bảo vệ từ năm 13 tuổi, và nhờ thế mà có thân hình gọn gàng hơn. Trước đó, chàng trai trẻ thường xuyên trong tình trạng thừa cân và tỏ ra rất tự ti. Ngoài ra, Blankfein còn đi bán thêm xúc xích và nước giải khát tại sân vận động Yankee.
Trong một cuộc phỏng vấn trên tờ New York Times, ông chia sẻ: “Một chai nước ngọt có giá 25 cent và tôi nghĩ mình có 10-11% hoa hồng, tôi nhớ mình đi dọc sân và ai đó ở khán đài phía trên giơ tay, yêu cầu một chai soda. Cái khay nước tôi đeo nặng không tả được, mà mình thì phải leo lên leo xuống không biết bao nhiêu bậc thang chỉ để kiếm 2,75 cent, tích góp cho cuộc sống của cả gia đình”.
Chính suy nghĩ đơn giản này là mầm mống cho một tư duy tài chính đáng gờm của một ông trùm trong tương lai, mà gần đây ông đã kiếm được gần 100 triệu USD mỗi năm – một kỷ lục đối với bất kỳ ông chủ nào trên phố Wall.
Vào thập niên 70, tình hình kinh tế khu vực nơi Blankfein sinh sống tụt dốc. Các băng đảng thường nắm kiểm soát trường học. Blankfein đến trường bằng xe bus vào buổi sáng nhưng nếu khi đến nơi thấy trường đang có đám hỗn loạn, Blankfein sẽ tiếp tục ngồi trên xe và quay ngược về nhà. Tuy vậy, chàng trai trẻ tỏ ra thích nghi rất nhanh chóng với môi trường xung quanh và học cách cẩn trọng nhưng không để bị cô lập.
Blankfein là một học sinh thông minh, được lòng giáo viên và nổi tiếng khắp trường nhờ sự thân thiện. Chàng trai trẻ có thể giao tiếp được với giáo viên tốt hơn so với phần đông các bạn.
Ngay từ khi còn trẻ, Blankfein đã quan niệm: “Thật dễ dàng để làm bản thân trở nên khác biệt, nhưng để tìm thấy động lực làm việc và thành công thì thực sự vô cùng khó khăn”. Và Blankfein cũng quyết tâm theo đuổi nghiệp học hành vì muốn đạt được những thành công hơn người khác dựa trên nền tảng tri thức vững chắc nhất.
Lloyd Blankfein đã biến tập đoàn Goldman Sachs thành cỗ máy kiếm tiền bậc nhất phố Wall hoa lệ
“Lạc” vào trường Harvard danh tiếng
Trường Harvard về tuyển sinh viên, đại diện trường đã chú ý đến Blankfein và tạo mọi điều kiện để chàng trai theo học Harvard. Tại môi trường đại học hoàn toàn mới, Blankfein thấy mình lạc trong thế giới của những sinh viên giàu có và thế lực. Nhiều người đã biết cuối cùng mình sẽ thuộc về tầng lớp nào và làm sao để tạo dựng được những mối quan hệ kéo dài suốt cả cuộc đời.
Blankfein không thuộc bất kỳ nhóm nào ở trên vì vào Harvard bằng học bổng, phải làm việc bán thời gian trong tiệm cà phê của trường và bị nhiều sinh viên trong trường coi thường. Đã từng có thời điểm ông buồn bã vì bản thân chỉ là “một sinh viên tỉnh lẻ đến từ Brooklyn”.
Điều này khiến Blankfein chỉ chơi với một nhóm bạn có hoàn cảnh tương đồng. Ông không buồn quan tâm đến các nhóm ồn ào xung quanh. Blankfein nói: “Tôi không việc gì phải đề phòng khi tôi làm gì. Tôi thường thấy rằng chính nhóm sinh viên giàu mới phải xem lại mình”.
Có lẽ Blankfein đã hoàn toàn không chuẩn bị trước cho cái thế giới phồn hoa mà ông gia nhập. Vấn đề không phải là tiền, bởi ở thời điểm đó của xã hội, người ta rất coi thường tính phô trương. Thế nhưng, khi đến Harvard, mọi thứ xung quanh quá trần tục và chính tiền lại trở thành mối bận tâm của chàng sinh viên Blankfein.
Sự cô đơn dường như khiến Blankfein tỏ ra nhụt chí đôi phần. Ông thường chẳng mấy khi quan tâm đến bài vở, mà luôn cùng đám bạn “nghiện” xem phim. Blankfein rất hài hước chia sẻ với tờ New York Times rằng ông bị nỗi sợ hãi tâm lý bao trùm mỗi khi phải thức khuya ôn thi. “Tôi học suốt ngày đêm, chỉ trong vài ngày trước kỳ thi, và luôn hứa rằng kỳ sau sẽ chăm chỉ học sớm hơn nhưng rồi mọi chuyện vẫn thế”.
Các bạn sinh viên cùng lớp rất nhớ về khiếu hài hước và trí nhớ cực tốt của Blankfein. Ông thường nhìn ra nhiều khía cạnh hài hước, mỉa mai của câu chuyện mà không ai làm được như vậy. Blankfein hát hay và luôn có mặt trong những cuộc ăn chơi, đôi khi là thâu đêm suốt sáng.
Lloyd Blankfein kể thời trung học, bạn bè thường hay gọi ông là “luật sư bang Philadelphia” và biệt danh đó luôn ám ảnh ông. Và sau đó, ông nghĩ nhiều đến việc mình sẽ làm luật sư. Ông nộp đơn vào Trường Luật Harvard và may mắn được chấp thuận. Tại Trường Luật Harvard, ông rất chăm chỉ học hành.
Năm 1978, Blankfein tốt nghiệp Trường Luật Harvard và làm việc tại Công ty Luật Donovan. Trong 4 năm làm việc tại đây, ông đại diện cho ngành phim ảnh trong vụ rắc rối về thuế với Cơ quan Thuế vụ Mỹ (IRS). Ông cũng có một số tật xấu trong khoảng thời gian này do ảnh hưởng từ cha mẹ. Thế nhưng vào học trường luật, ông mất kiểm soát thói quen. Cân nặng tăng vùn vụt trở lại, tóc bạc đi nhiều. Ông cho biết: “Đã có ngày tôi nhìn vào gương và thấy mình giống ông nội”.
Ông rất thích đánh bạc. Khi làm luật sư ở Hollywood, ông thường đến các sòng bài, quán rượu, hộp đêm… ở Las Vegas) để chơi bài hay xúc xắc trong các ngày cuối tuần.–PageBreak–
Từ ngành luật bước sang thế giới tài chính
Năm 1981, Lloyd Blankfein đã nắm vị trí cao nhất tại Donovan, nhưng ông không còn ham thích công việc liên quan đến luật nữa. Ông tìm cơ hội chuyển sang làm việc tại ngân hàng đầu tư nhưng chẳng nhận được lời mời nào vì không có kinh nghiệm tài chính. Sau đó, một chuyên gia bất ngờ gọi cho ông đến và đưa ra đề nghị làm kinh doanh hàng hóa tại Công ty J. Aron – một công ty giao dịch vàng quy mô nhỏ và ít danh tiếng. Blankfein thậm chí chẳng biết J. Aron “là cái quái gì”. Vợ ông khi biết quyết định chuyển việc của ông đã lo lắng rất nhiều. Cuối năm 1982, ông chính thức là nhân viên của J. Aaron.
Đến tháng 10 cùng năm, công ty này được Goldman Sachs mua lại. Và Lloyd Blankfein bỗng dưng đạt được mong muốn gia nhập một tập đoàn ông yêu thích nhất – Goldman Sachs. Vậy nhưng, ở thời điểm đó, J. Aron bị “ghẻ lạnh” tại Goldman Sachs. Thậm chí nhân viên của J. Aron không được đi chung thang máy với nhân viên Goldman Sachs tại tòa nhà trụ sở của ngân hàng này. Từ một luật sư uy tín với nhân viên thư ký lúc nào cũng kè kè bên cạnh chuyển sang làm nhân viên cấp thấp, ông không khỏi chạnh lòng.
Tuy nhiên, Lloyd Blankfein không hề chùn bước, trong vai trò nhân viên kinh doanh. Nhờ trí thông minh tuyệt vời cùng kỹ năng ngoại giao sắc bén, Blankfein lọt vào mắt xanh của Mark Winkelman, người được Goldman phái sang lãnh đạo J. Aron. Winkelman cất nhắc Blankfein lên đứng đầu 6 giao dịch viên, và sau đó là cả bộ phận giao dịch hối đoái.
Sự nghiệp của Blankfein từ giai đoạn này “cất cánh”. Ông dường như có giác quan thứ sáu về việc khi nào nên chấp nhận rủi ro và khi nào nên cẩn trọng. Blankfein đã chứng minh năng lực xuất sắc khi thiết kế một giao dịch trị giá 100 triệu USD cho phép vị khách theo đạo Hồi tuân theo lời huấn thị cấm cho vay lấy lãi trong kinh Koran. Đây cũng là giao dịch lớn nhất Goldman từng thực hiện cho đến thời điểm đó.
Năm 1994, khi Winkelman rời Goldman để sang làm quản lý cao cấp tại công ty khác, Blankfein được đề bạt lên vị trí quản lý J. Aron. Năm 1995, ông đã mắng nhiếc các cộng sự của mình bởi họ quá nhát gan. Ông đã thể hiện rõ thái độ bằng cách rời khỏi phòng họp nơi các cộng sự đang bàn về thương vụ nhiều triệu USD đặt cược vào khả năng đồng USD tăng giá so với đồng yên. Quan điểm của ông sau đó chuẩn xác, Blankfein kiếm được tiền và giành được sự tin tưởng của đồng nghiệp về một chuyên gia đầu tư biết mạo hiểm một cách thận trọng.
Một ngày làm việc của “ông trùm tài chính” Lloyd Blankfein tại văn phòng
Năm 1997, Goldman bổ nhiệm Blankfein làm quản lý Công ty J. Aron và bộ phận kinh doanh thu nhập cố định. Trên cương vị mới, Blankfein đem lại nhiều lợi nhuận nhất công ty. Và ông luôn thuộc “nằm lòng” quan điểm đặt quyền lợi khách hàng lên trên quyền lợi của Goldman Sachs.
Từ năm 1999, Goldman Sachs mở rộng hoạt động và nội bộ trở nên căng thẳng đến nỗi nhiều đối thủ tiềm năng của Blankfein rời công ty. Nguyên nhân cơ bản ở chỗ Blankfein chịu trách nhiệm cỗ máy kiếm tiền của Goldman và đưa công ty lên nhiều đỉnh cao mới cũng như sự nghiệp của ông phát triển bùng nổ. Thời cơ thuận lợi, không một ai có thể đánh bại Blankfein. Ông nhanh chóng bước lên vị trí CEO năm 2006, lãnh đạo toàn bộ Goldman Sachs.
Con đường không phải toàn “hoa hồng”, nhưng với sự thông minh, quyết tâm khám phá và làm điều mà ông cho là thực sự ý nghĩa với lý tưởng của mình: ông đã trở thành một trong những CEO quyền lực nhất trung tâm tài chính lớn nhất thế giới. Chính Blankfein có khả năng thích ứng tốt, không phải chỉ trong công ty con J. Aron mà còn trong việc ông biết cần làm điều gì để đứng đầu một tập đoàn có mô hình hoạt động phức hợp như Goldman Sachs. Blankfein được trời phú cho khả năng hài hước và tự tôn cao, hai tính cách thường không thấy ở các CEO thành công nhất phố Wall.
Ông thuyết phục nhân viên bằng cá tính khiêm nhường và hài hước. Tờ New York Times miêu tả Lloyd Blankfein “là người ai cũng muốn ăn tối cùng”. Ông sống đơn giản với “mối tình đầu và duy nhất” trong một căn hộ rộng rãi, không dùng du thuyền mà cũng chẳng máy bay riêng.
Tuy nhiên, Blankfein đôi khi rất hiếu chiến. Có khi ông cho nhân viên thân tín tham gia vào các cuộc cạnh tranh chứ không trực tiếp ra mặt, điều này có thể khiến người khác không mấy vui vẻ và bị cho là không biết điều…
Bài viết tham khảo: Chú bé trở thành triệu phú bắt đầu từ… tình thương mẹ