1. Sự chuẩn bị không bao giờ là thừa
Dù là phỏng vấn qua điện thoại hay trực tiếp gặp nhà tuyển dụng, tìm hiểu về công ty, về công việc mà mình muốn ứng tuyển là điều bất cứ ai cũng phải làm nếu không muốn bị loại từ “vòng gửi xe”. Tiếp đến, hãy tìm kiếm, liệt kê, đưa ra phương án, luyện tập cách trả lời sao cho ấn tượng những câu hỏi mà bạn có nguy cơ “bị hỏi”. Ngoài ra, trong một số trường hợp, bạn có thể sẽ biết được ai sẽ là người phỏng vấn mình trong lần phỏng vấn chính thức. Còn chần chờ gì mà không nhanh chóng “truy lùng” người này qua mạng xã hội, người quen trong công ty…để hiểu hơn về họ để tìm cách trả lời phỏng vấn sao cho phù hợp.
2. Luôn trong tư thế sẵn sàng
Thông thường thì bạn sẽ được hẹn giờ phỏng vấn, tuy nhiên cũng có lúc bạn bị gọi bất thình lình do đó hãy chắc chắn là mình luôn trong tư thế sẵn sàng “ra trận” nha! Phỏng vấn qua điện thoại thì yếu tố không gian thật sự rất quan trọng, ví dụ như âm thanh xung quanh, bạn đang ở đâu,…Tốt nhất là hãy luôn nhắc nhở bản thân về cuộc gọi “thần thánh” sắp tới để đảm bảo là mình có thể nhấc máy ngay lập tức, phỏng vấn trong không gian yên ắng, thoải mái nhất và không có vấn đề nào diễn ra làm ảnh hưởng tới cuộc điện thoại.
3. Chuyên nghiệp trong mọi hoàn cảnh
Chính vì không phải đối diện trực tiếp với nhà tuyển dụng nên chúng ta không đặt mức độ quan trọng của cuộc phỏng vấn này lên hàng đầu. Trả lời phỏng vấn của nhà tuyển dụng trong tư thế nằm giải trí, quần áo xộc xệch,…tất nhiên, họ sẽ không thể thấy được bạn đang làm gì, mặc gì, nhưng tác phong sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới thần thái, giọng điệu, cách trả lời qua điện thoại của bạn. Liệu bạn có thể giao tiếp qua điện thoại một cách chuyên nghiệp nếu như bạn đang nằm ườn trên ghế sofa không nhỉ?
4. Ngại gì không “mở”
Phỏng vấn qua điện thoại giống như một bài kiểm tra “đề mở”, và bạn có quyền mở tài liệu! Tài liệu ở đây là những ghi chú mà bạn thực hiện trong quá trình chuẩn bị như thông tin về công ty, cách trả lời câu hỏi sao cho “vừa lòng” nhà tuyển dụng mà bạn đã cất công tìm hiểu mấy ngày liền, những thắc mắc hay đề bạt mà bạn muốn gửi gắm đền nhà tuyển dụng,…Điều quan trọng là hãy “mở” một cách chuyên nghiệp qua việc để những “tài liệu” này ở nơi dễ nhìn nhất, lật “tài liệu” sao cho nhanh-gọn-lẹ mà không để nhà tuyển dụng phát hiện,…Chà, nghe thú vị quá bạn nhỉ!
5. Ghi chú những lưu ý
Trong suốt quá trình tuyển dụng, hãy ghi lại những điều mà bạn thấy cần thiết cũng như những thắc mắc của bản thân để nhờ sự giải đáp của nhà tuyển dụng ở cuối cuộc gọi. Một số ứng viên do quá hăng say phỏng vấn, hoặc chủ quan không ghi chú mà đã để lỡ khá nhiều thông tin quan trọng, gây ảnh hưởng không tốt đến kết quả tuyển dụng của bản thân về sau.
6. Gửi lời cảm ơn chân thành
Sau khi kết thúc cuộc phỏng vấn, trong vòng 48 giờ, một e-mail cảm ơn đến nhà tuyển dụng là cách đơn giản nhằm để lại ấn tượng tốt đẹp về bạn cho nhà tuyển dụng. Ngoài ra, đây còn là cơ hội để chúng ta “thủ thỉ” tâm sự, bày tỏ sự hào hứng, đam mê của mình đối với công việc mà mình muốn ứng tuyển cũng như cho họ thấy mình là người phù hợp với vị trí đó. Cuối cùng, nếu còn thắc mắc về vấn đề nào, hãy mạnh dạn xin họ lời giải đáp bạn nhé!