Tháng 7/2023 không chỉ đánh dấu sự thay đổi về nhiều điểm trong Luật BHXH mà còn có một số thay đổi trong một số điều khoản thuộc Luật BHYT đối với người đi làm. Bài viết này, cùng điểm lại những chính sách mới về BHYT được điều chỉnh từ tháng 7/2023.
1. Tăng mức đóng BHYT
Hiện nay, mức đóng bảo hiểm y tế của nhiều người được xác định dựa trên mức lương cơ sở. Từ ngày 01/7/2023, do thực hiện chính sách tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên thành 1,8 triệu đồng/tháng nên mức đóng bảo hiểm y tế của một số nhóm đối tượng sẽ được điều chỉnh tăng.
Theo khoản 1 Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP và khoản 1 Điều 18 Quyết định 595/QĐ-BHXH, mỗi tháng, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, cán bộ, công chức, viên chức,… phải đóng bảo hiểm y tế (BHYT) theo mức sau:
Mức đóng BHYT= 1,5% * Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc
Trong đó: Mức tiền lương tháng tối đa để tính số tiền đóng BHYT = 20 x Mức lương cơ sở (Khoản 5 Điều 14 Luật BHYT năm 2008, sửa năm 2014).
Từ ngày 01/7/2023, mức đóng bảo hiểm y tế tối thay đổi như sau:
Mức đóng BHYT tối đa trước đó | Mức đóng BHYT tối đa từ 01/7/2023 |
1,5% x 20 x 1,49 triệu đồng/tháng = 447.000 đồng/tháng | 1,5% x 20 x 1,8 triệu đồng/tháng = 540.000 đồng/tháng |
2. Thay đổi điều kiện hưởng BHYT 5 năm liên tục
Một chính sách mới về BHYT có hiệu lực từ 01/7/2023 là thay đổi điều kiện hưởng BHYT 05 năm liên tục.
Theo điểm d, điểm đ khoản 1 Điều 14 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, người tham gia BHYT 05 năm liên tục khi đi khám, chữa bệnh đúng tuyến sẽ có cơ hội được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán 100% chi phí trong phạm vi được hưởng có số tiền đồng chi trả chi phí khám, chữa bệnh BHYT trong năm lớn hơn 06 tháng lương cơ sở.
Với việc tăng lương cơ sở từ ngày 01/7/2023, người bệnh muốn được hưởng quyền lợi BHYT 5 năm liên tục thì trong năm đó, người đó phải đã có số tiền đồng chi trả chi phí khám, chữa bệnh BHYT từ 10,8 triệu đồng trở lên (trước đó chỉ cần chi phí đạt 8,96 triệu đồng trở lên).
Như vậy, từ tháng 7/2023, với phần chi phí đồng chi trả vượt quá 10,8 triệu đồng thì người bệnh mới được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán.
3. Tăng mức thanh toán BHYT trực tiếp
Theo Điều 30 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, trường hợp đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế tư nhân khong có hợp đồng khám chữa bệnh BHYT, người bệnh sẽ được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán trực tiếp chi phí như sau:
STT | Trường hợp | Mức thanh toán BHYT trực tiếp | |
Cách tính | Số tiền được thanh toán trực tiếp từ ngày 01/7/2023 | ||
1 | Đi khám, chữa bệnh tại bệnh viện tuyến huyện | ||
1.1. | Ngoại trú | Thanh toán theo chi phí thực tế trong phạm vi được hưởng nhưng tối đa không quá 0,15 lần mức lương cơ sở | Tối đa 270.000 đồng (trước đó thanh toán tối đa 223.500 đồng) |
1.2. | Nội trú | Thanh toán theo chi phí thực tế trong phạm vi được hưởng nhưng tối đa không quá 0,5 lần mức lương cơ sở | Tối đa 900.000 đồng (trước đó thanh toán tối đa 745.000 đồng) |
2 | Khám, chữa bệnh nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh mà không có hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT | Thanh toán theo chi phí thực tế trong phạm vi được hưởng nhưng tối đa không quá 1,0 lần mức lương cơ sở | Tối đa 1,8 triệu đồng (trước đó thanh toán tối đa 1,49 triệu đồng) |
3 | Khám, chữa bệnh nội trú tại bệnh viện trung ương mà không có hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT | Thanh toán theo chi phí thực tế trong phạm vi được hưởng nhưng tối đa không quá 2,5 lần mức lương cơ sở | Tối đa 4,5 triệu đồng (trước đó thanh toán tối đa 3,725 triệu đồng) |
Trên đây là một số thông tin cơ bản bạn cần nắm được khi tham gia đóng BHYT. Mong rằng bài viết này Worklink đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích.