Thế hệ trẻ trước những lựa chọn tạo nên giá trị sống cho cuộc đời

Worklink

Chúng ta đều giống nhau khi còn bé bỏng rồi dần dần trưởng thành trên nền tảng mà chúng ta tạo dựng. Chúng ta sẽ phải có những lựa chọn trước những bước ngoặt lớn và chúng ta bắt đầu khác nhau từ đó… Có những người lầm đường lỡ bước đầy đau khổ, người luôn cảm thấy hạnh phúc từ những giá trị tốt đẹp tự mình làm tươi mới cho số mệnh của chính mình. Hãy nhớ rằng bản thân chúng ta thật quý giá, chúng ta có thể thay đổi những khổ đau thành điều kỳ diệu trong cuộc đời


Mỗi người sinh ra trên cuộc đời đều có những lý do và ý nghĩa của nó. Có những điều kỳ diệu đã đưa chúng ta đến với cõi trần này để được trải nghiệm và tận hưởng những giây phút xúc cảm vô giá mà cuộc sống nhiệm màu mang lại. Phải chăng mục đích sống mà chúng ta luôn hướng đến là hạnh phúc và tận hưởng sự thăng hoa đó? Hạnh phúc không phải là một thứ may mắn ban phát đặc quyền cho ai đó mà từ trong sâu thẳm đó là một dạng cảm xúc, một quá trình tìm kiếm. Hạnh phúc sẽ nảy ra khi chúng ta hài lòng về những thành quả mình đạt được. Hiểu một cách đơn giản hạnh phúc là được làm những gì mình thích, sống trong những đam mê của bản thân, có cho mình người bạn tri kỷ một tình bạn đẹp. Một người bạn đời hiểu mình và cùng nhau đi qua những con sóng của cuộc đời…


Không có gì là quá muộn nhưng sẽ thật may mắn đối với bạn trẻ đọc và hiểu được những thông điệp mà bài viết muốn gửi gắm sau đây để có thể càng sớm càng tốt định hình những lựa chọn đúng đắn cho tương lai – Bạn hãy nhớ rằng, định hướng tốt chừng nào sẽ làm cho tương lai chúng ta rõ ràng hơn chừng đó


1. Mục đích sống – Ta sống để làm gì


Một nhà văn người pháp –  Denis Diderot đã nói rằng “Nếu không có mục đích, anh không làm được điều gì cả. Anh cũng không làm được điều gì vĩ đại nếu mục đích của anh tầm thường”.“Mục đích” chính là xương sống là kim chỉ nam trong việc xây dựng cả một tương lai, soi sáng lối đi để phát triển bản thân


Nếu sống không có đam mê, ước mơ, không có lấy một khát khao chinh phục, thử hỏi cuộc đời này còn ý nghĩa gì nữa? Khi đó, hoặc là cuộc sống của bạn sẽ cứ thế mãi trôi đi bình lặng (nếu may mắn !), hoặc tệ hơn là ngờ ngệch vấp ngã để rồi chuốc lấy sự khổ đau tụt hậu hay thậm chí là sa chân lỡ bước, liểng xiểng như một kẻ bại trận mà không có ý chí vươn lên…Trong cả hai trường hợp, đó có phải là cuộc sống bạn thật sự mong muốn, chắc chắn là không!


Nhưng bạn hãy nhớ, mục đích sống phải phù hợp với khả năng, bạn phải hiểu được giá trị cốt lõi của bản thân mình. Nếu những mục đích ngoài tầm với, vượt quá khả năng thì sẽ trở thành ảo tưởng, lãng phí thời gian, công sức mà cũng không thể có được kết quả như bản thân mong đợi, thậm chí có thể đánh gục bạn. Chúng ta phải trả lời được câu hỏi Mình là ai, mình sống để làm gì, mình sẽ dùng cuộc đời của mình vào việc gì, việc đó có đáng hay không, và khả năng của mình đến đâu?”. Từ đó chúng ta sẽ triển khai, vẽ ra những đường nét của cuộc đời mình, nắm giữ chìa khóa để mở lối cho những bước ngoặt, lựa chọn tiếp theo


2. Chọn việc để làm


Đây là vấn đề quan trọng, làm việc mình thích bạn sẽ không bao giờ cảm thấy mệt mỏi. Nhưng đôi khi, việc bạn thích nhất lại không phải là việc bạn giỏi nhất. Vì thế, bạn cần xác định ưu nhược điểm của bản thân, công việc nào là phù hợp với tính cách mình nhất, bạn có thực sự yêu thích nó hay không? Niềm vui mỉm cười với bạn khi đã tìm được đúng hướng đi cho mình, nhưng không có nghĩa là mọi thứ chỉ dừng lại ở đó. Công việc đòi hỏi bạn phải luôn nỗ lực phấn đấu không ngừng trên con đường mình đã chọn để phát triển tiềm năng, đề cao giá trị, trách nhiệm của bản thân và sẽ thật may mắn khi chúng  ta luôn xem sự cố gắng là niềm vui mỗi ngày bởi điều đó như dòng nước mát khơi nguồn đam mê đã được tìm thấy của bạn



Hãy làm cái gì mà mình giỏi nhất, phù hợp với tính cách của mình nhất và tạo ra giá trị nhiều nhất. Nguồn ảnh: Internet


Một yếu tố khách quan bên ngoài có ảnh hưởng lớn trên con đường sự nghiệp mà bản thân chúng ta không ngờ tới chính là mối trường làm việc (công ty, tổ chức nào, ngành nào, lĩnh vực nào, vùng miền nào…). Một môi trường làm việc phù hợp sẽ là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy sự phát triển, là nơi học tập để trau dồi và phát huy được giá trị năng lực bản thân


3. Chọn người để lấy


Người ta thường hay nói là trong tất cả các kiểu bạn (bạn xã giao, bạn tâm giao, bạn tư giao, bạn tri kỷ…) thì chọn bạn đời là khó nhất. Quả đúng không sai, chúng ta thật tệ dù trưởng thành bao nhiêu thì vẫn còn quá mơ hồ và không đủ tự tin để định nghĩa được tình yêu là gì, liệu nó có phải là một dạng cảm xúc mãnh liệt khó kiểm soát bằng lý trí? Nhưng bạn biết không hôn nhân là cả một bước ngoặt lớn trong cuộc đời, và khi đó lý trí chính là người bạn mà chúng ta cần. Vì thế phải bắt đầu lựa chọn này từ việc mình muốn có một gia đình như thế nào


Một nhà văn trẻ đã viết “Chọn người để gắn bó suốt cuộc đời, không phải chọn theo lời người khác nói, không phải chọn cái thiên hạ nhìn vào cảm thấy đủ, mà là bản thân ta cảm thấy hợp”. Hợp ở đây là sự đồng điệu giữa hai tâm hồn, liệu giữa hai người có thực sự quan tâm thấu hiểu tận cùng cảm xúc của nhau hay không, có cảm thông sâu sắc và đồng cam cộng khổ trước những khó khăn, thử thách của cuộc đời hay không?


Vốn dĩ con người và con người là những mảnh tâm hồn riêng, chúng ta có những quan điểm khác nhau trong cuộc sống, nhưng khi đã may mắn tìm được một người tâm đầu ý hợp vì nhau mà hi sinh thì mỗi lẽ sống riêng lẻ của cá thể tách biệt sẽ có thể được dung hòa, hai người chấp nhận và ủng hộ lẽ sống của nhau và thậm chí sẵn sàng thay đổi vì nhau. Vì khi đó hai người không chỉ là người chồng, người vợ của nhau, mà còn là người bạn trên hành trình còn lại của cuộc đời. Được như vậy, cuộc đời sẽ thật hạnh phúc


4. Chọn “thầy” để học, chọn bạn để chơi


Thầy


Thầy cô là những người trực tiếp khai sáng trí tuệ và nuôi dưỡng tâm hồn cho chúng ta. Thầy thì có nhiều nhưng không phải ai cũng là người thầy đúng nghĩa, không phải ai cũng có thể dẫn dắt người học làm chủ quá trình học và khám phá thế giới vô tận của tri thức. Học sai người, có thể bạn sẽ lầm đường lạc lối. Vì thế mà việc chọn đúng người để học, để tôn làm thầy có ý nghĩa quan trọng


Sách và internet


Chúng ta đang sống trong một thời đại mới, một thời đại phát triển rực rỡ của công nghệ thông tin. Bất kể những gì tồn tại trong cuộc sống đều là luồng thông tin phong phú được luân chuyển mạnh mẽ chóng mặt trên internet, thậm chí là cả những thông tin rác, bừa bãi, thiếu chọn lọc… Chỉ cần có kết nối mạng và một thuật toán tra cứu nhỏ chúng ta có thể tìm được bất cứ những gì mình muốn, và hãy hiểu rằng không phải mọi thông tin đều có tính xác thực. Chúng ta không phải những con rô bốt, chúng ta phải biết tư duy và tìm hiểu một cách có chọn lọn. Hãy sử dụng internet một cách có khoa học để nâng tầm giá trị và kiến thức cho bản thân, đừng quá lạm dụng những thú vui tiêu khiển để chúng len lỏi vào cuộc sống của bạn, bởi hệ lụy đưa đến hết sức khôn lường



Hãy sử dụng internet một cách có khoa học để nâng tầm giá trị và kiến thức cho bản thân. Nguồn ảnh: Internet


Song song với internet thì sách cũng là nguồn tri thức quan trọng bậc nhất. Mặc dù với tốc độ phát triển chóng mặt của internet, khá nhiều loại sách được đưa lên trên mạng bạn có thể dễ dàng tiếp cận, nhưng những loại sách xuất bản dưới dạng truyền thống cũng có sức hấp dẫn và tạo nguồn cảm hứng nhất định. Mặt khác cũng có khá nhiều những cuốn sách bài bản có giá trị chọn lọc, sách quý hiếm, chuyên sâu xuất hiện dưới hình thức kinh doanh thông qua cách giới thiệu về sản phẩm và bản quyền rõ ràng không phải là những nội dung mà internet có thể có được. Được nghiền ngẫm từng nét bút tri thức dưới những trang sách thông thái, được lưu trữ chúng một cách có giá trị và bạn có thể đọc đi đọc lại nhiều lần, giữ nó như một kho báu để đời cũng là một cách tạo ra sự hứng khởi trong cuộc sống…


Không đọc sách thì chắc chắn là không giỏi nhưng đọc sách nhiều cũng chưa chắc tạo ra giá trị. Vấn đề còn nằm ở chỗ chọn sách nào để đọc, đọc như thế nào và học được gì từ sách


Kinh nghiệm


Đã bao giờ bạn nghe được câu nói, hay khi bạn gặp một trường hợp nào đấy để rồi thốt lên “Ông cha ta nói không có sai”? Đúng vậy, sự chiêm nghiệm mà ông cha ta trải qua bao đời nay đã được đúc kết lại qua những câu ca dao tục ngữ mà chúng ta được học trong nhà trường, những điều hay lẽ phải, những kinh nghiệm từ những người đi trước như cha mẹ, ông bà … đều là hành trang đầu đời giúp ta vững bước trong cuộc sống


Và ở đời chúng ta cũng không thể tránh khỏi những lúc thất bại. Trên cuộc hành trình, khi bạn vấp ngã, bạn hãy bình tâm tìm hiểu thật cặn kẽ nguyên nhân để rút ra bài học cho bản thân. Nếu bạn vội vàng đứng lên rồi cắm cổ chạy tiếp, có thể bạn sẽ lại tiếp tục vấp ngã, ngã và ngã với những lỗi lầm tương tự, đó mới thực sự là thất bại và thất vọng… Có những người cho rằng, nếu muốn không thất bại thì tốt nhất là đừng có làm gì nữa, nhưng nếu vậy thì sẽ có một thất bại cực lớn khác, đó là thất bại cả cuộc đời


Để hạn chế thất bại và trả giá, cần phải học rất nhiều từ những “người thầy” (ông cha ta, thầy, cha mẹ và sách) và có khi, phải học từ chính những vấp ngã của bản thân mình


Bạn


Xung quanh chúng ra rất nhiều những mối quan hệ mang tên bạn bè, họ là những người cùng lớp, đồng nghiệp,… Từ mỗi hoạt động, mỗi cuộc gặp gỡ chúng ta đều có thể có một người bạn mới. Người ta bảo thêm bạn thêm vui, nhưng đôi khi đó chỉ là mối quan hệ xã giao, hời hợt. Điều mà chúng ta cần ở một người bạn tâm giao, một người bạn tri kỷ chính là thấu hiểu được những buồn vui, sẵn sàng lắng nghe những bài ca rũ rượi, những lời tâm sự dài lan man mà không một chút do dự. Mặc dù chúng ta có thể có những con đường khác nhau trên hành trình lập thân, lập nghiệp, nhưng khi bạn cần tôi sẽ có mặt. Một tình bạn sẽ trở nên ý nghĩa và cao đẹp bền vững, khi chúng ta sống không lợi dụng nhau, giúp đỡ nhau để cùng phát triển và tiến bộ

Để lại một bình luận