Mọi nhà khởi nghiệp đều biết, đôi khi ý tưởng đầu tiên lại không phải ý tưởng sẽ theo bạn lâu dài. Với Biz Stone – nhà đồng sáng lập Twitter, hành trình đến với tiểu blog nổi tiếng này là một hành trình dài và đầy phiêu lưu. Stone cũng giải thích cách các mối liên kết diễn ra và tầm quan trọng của chúng trong sự kiện Startup Grind vừa tổ chức tại Thung lũng Silicon.
Ban đầu Stone là giám đốc sáng tạo của mạng truyền thông xã hội Xanga ở New York. Tại đây, anh khởi xướng việc biến trang mạng này thành dạng blog. Tin vào giá trị của sự dân chủ hóa tư tưởng, anh đã tham gia nhiệt tình vào mô hình Blogger trong những ngày đầu tiên.
Nhờ sự tham gia tích cực trong cộng đồng blog, Stone được giới thiệu với Evan Williams – chủ nhân của blog mà anh thường xuyên đọc và ngưỡng mộ. Dần dần, Stone nhận ra mình có nhiều quan điểm chung với Williams hơn là đội ngũ làm việc tại Xanga. Khi Google mua Blogger, Stone mạnh dạn liên hệ với Williams và nói: “Tôi cảm thấy mình chính là thành viên thứ 7 mà đội anh đang thiếu”.
Thu hút sự chú ý
Phương pháp gây chú ý này từng được vô số người thử qua nhưng không thành công. Tuy nhiên, bức thư của Stone gửi cho Williams lại hiệu quả. Williams trả lời thư và đề xuất cho Stone một công việc. Stone tin rằng Williams thấy được đam mê mà anh dành cho blog. Trong khi Stone đọc blog của Williams, Williams cũng đã đọc blog do anh viết.
“Chúng tôi yêu quý lẫn nhau và anh ấy cũng cảm thấy tôi chính là thành viên còn thiếu trong đội ngũ của mình”, Stone nói. “Anh ấy đã ra sức gây tác động lên Google vì vào năm 2003, họ không tuyển những kẻ bỏ học không biết chút gì về máy tính. Họ chỉ tuyển các tiến sĩ trong lĩnh vực tin học mà thôi”.
Đi theo người chứ không phải ý tưởng
Stone phát hiện ra mọi quyết định lớn mình từng thực hiện đều là vì đi theo một người chứ không phải một tổ chức hay ý tưởng nào đó. Bằng việc rời New York đến Thung lũng Silicon, Stone đã gắn mình với người mà sau này sẽ trở thành cộng sự của anh trong việc sáng lập Twitter năm 2006. Nhưng không phải họ tạo ra Twitter chỉ trong ngày một ngày hai.
Sau khi Williams rời Blogger, Stone nhận ra anh chuyển đến Thung lũng Silicon chỉ vì Williams nên cũng rời đi. Họ cùng nhau thành lập Odeo, một công ty hoạt động tương tự như blog nhưng dùng âm thanh chứ không phải văn bản. Dần dần, hai người thấy rằng dịch vụ âm thanh không phải viễn cảnh lâu dài họ hướng đến và định hướng lại các nỗ lực của mình. Một thời gian sau, Twitter ra đời.
Cuộc thi lập trình mang tính lịch sử
Twitter được tạo ra cho vui. Williams đã cùng Stone tổ chức một cuộc thi lập trình tại Odeo và dự án có tên twitter nảy sinh. Ý tưởng ban đầu là trang web sẽ sử dụng hình thức SMS để gửi những tin nhắn ngắn đến các nhóm chứ không phải kiểu giao tiếp từng người với nhau.
Theo Stone, anh biết họ đã đi đúng hướng khi nhận được tin nhắn như sau từ Stone qua dịch vụ mới: “Nhấm nháp một chút rượu nho pinot noir sau khi mát xa tại Thung lũng Napa”. “Tôi đã phá lên cười vì sự phi lý của hai thứ đó”, anh chia sẻ.
Website không về gì cả
Stone phát hiện ra, khi bạn yêu công việc mình đang làm thì dù ai nói gì cũng không ngăn cản được bạn. Gần như ngay sau khi Twitter ra mắt, có ý kiến chỉ trích khi so sánh trang mạng này với Seinfeld, cho rằng Twitter chẳng về cái gì cả. Lời bình tiêu cực đó không ảnh hưởng mấy vì Stone rất thích Twitter, do vậy anh biết những người khác cũng sẽ thích nó.
Stone cũng nhận ra giá trị của sự hài hước, nhất là khi giao tiếp với khách hàng. Anh tin rằng dù có những trang mạng khác hoạt động tương tự Twitter thì họ vẫn thành công vì không ngại tự biến mình thành thứ gây cười.
Bài viết tham khảo: 3 câu chuyện từ Steve Jobs