Câu chuyện đặc biệt của một triệu phú tật nguyền

Worklink

Bị tật nguyền bẩm sinh, nhưng Alan Nagao đã vươn lên thành triệu phú người Mỹ gốc Nhật nhờ bán được 30 triệu yoyo (con quay) trên toàn thế giới.


20151203090849 48744

Alan Nagao chia sẻ tại buổi hội thảo Cơ hội kinh doanh tại TP. HCM


Chịu biến chứng của thuốc Thalidomide từ lúc còn ở trong bụng mẹ, Alan là một nhân chứng lịch sử của làn sóng tiếp thị loại thuốc này vào những năm 50s, khi nó được quảng bá là thuốc chữa cho “bệnh lo âu, mất ngủ, viêm dạ dày, căng thẳng” cũng như các triệu chứng buồn nôn và ốm nghén bởi các công ty dược. Chỉ có 40% những trẻ em chịu ảnh hưởng của Thalidomide được sống sót sau khi ra đời, với những dị tật cơ bắp vĩnh viễn. Alan Nagao chỉ có một tay và chân lành lặn. Thậm chí, chân phải của ông chỉ là một mẩu thịt nên ngay từ nhỏ Alan đã phải dùng chân giả.

Câu chuyện của Alan đặc biệt, nhưng không phải bởi vì ông lạc quan đến mức lạ thường, với nụ cười luôn nở trên môi ngay cả khi ông chỉ có 1 chân và 1 tay lành lặn. Nụ cười của ông đã giúp ông, vào năm 4 tuổi, trở thành gương mặt đại diện cho các hoạt động hỗ trợ trẻ em và người lớn khuyết tật hòa nhập cộng đồng, xã hội của tổ chức phi lợi nhuận Easter Seals. Xuất hiện trên bích chương quảng cáo cùng với nhiều chính khách Mỹ, bao gồm Tổng thống Mỹ thời đó, Alan được cả đất nước biết đến nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn khi đến tuổi đi học. Người đàn ông có khuôn mặt luôn cởi mở này tâm sự: “Tôi đi lại rất khó khăn nên hồi nhỏ thường phải di chuyển bằng xe hoặc ván trượt. Hồi đó tôi đi học ở một trường công của Mỹ, trẻ con đùa với nhau hơi ác ý, họ thường đẩy tôi ngã và tôi không bao giờ đuổi kịp vì không chạy được. Ngày nào tôi cũng bị chọc là ‘chân heo’, ‘đi cà nhắc’ hay cướp biển’”.

Dù rất mệt mỏi và chán nản, nhưng mẹ Alan thường hay nói với con trai rằng, người ta lấy gạch đá chọi mình, có thể mình sẽ bị gãy xương, nhưng sự trêu chọc ác ý sẽ không bao giờ làm mình tổn thương được. Chính vì tương lai không sáng sủa, Alan luôn nghĩ liệu có bao giờ mình được hẹn hò, có bạn gái và có thể lập gia đình?

Alan rất thích môn ván lướt, nhưng điều khó khăn nhất là làm sao di chuyển từ bãi biển xuống nước. Muốn xuống biển, Alan phải tháo chân giả và nhảy lò cò trên bãi biển khiến mọi người nhìn trân trân và ông rất ghét cảm giác đó.

Bỏ qua tất cả, ngày nào Alan cũng nhảy một chân lò cò xuống nước và kiên trì lướt ván. Khi xuống nước, Alan thấy mình giống như bao người khác, có thể bơi nhanh, có thể tự do lướt ván. Từ đây, cậu thanh niên tật nguyền quyết định theo đuổi giấc mơ của mình là trở thành 5% người giàu có nhất thế giới. Ước mơ này của ông đã bị bạn bè và người thân chế nhạo vì mơ mộng hão huyền.

Để thực hiện ước mơ, năm 19 tuổi, chàng trai đến từ Honolulu, Hawaii đã mở cửa hàng bán diều và kiếm được 2.000 USD doanh thu mỗi ngày. Để tập trung vào công việc kinh doanh, Alan quyết định bỏ học đại học từ năm thứ 2 khi đang theo học chuyên ngành kỹ sư tại một trường đại học ở Mỹ. Chia sẻ về câu chuyện bỏ học, Alan cho biết: “Tôi có đam mê làm việc với mọi người, trong khi kỹ sư lúc nào cũng làm việc với máy tính nên quyết định nghỉ học để kinh doanh và tôi rất hạnh phúc với quyết định đó”.

Cửa hàng bán diều của Alan rất thành công, và chàng trai này có sở thích làm những thứ rất to, vì thế anh đã làm một con diều khổng lồ có thể chứa một chiếc xe buýt 50 chỗ. “Công ty diều của tôi trở thành nhà vô địch thế giới trong nhiều cuộc thi diều. Năm 1991, chúng tôi thắng ba giải vô địch thế giới ở Anh và Nhật Bản. Tôi đã đặt ra mục tiêu đi du lịch thế giới 3 lần và đã thực hiện thành công”, Alan nói thêm.

Năm 1995, nhận thấy phong trào chơi yoyo (con quay) bắt đầu bùng nổ, Alan đã tự thiết kế ra một hệ thống để bán yoyo bằng một phương pháp tiếp thị thông minh với cách chơi cũng rất đơn giản giống như chơi karate. Cứ chơi được 10 kỹ thuật thì đạt được đai trắng và cứ thế phấn đấu lên vàng, và cuối cùng trở thành đai đen. Ý tưởng này giúp ông có được hợp đồng phân phối độc quyền với 2 công ty sản xuất yoyo lớn nhất nước Mỹ khi đó.


20151203092045 56781

Alan trở thành một nhà kiến tạo của làn sóng bùng nổ trò chơi yoyo tại Nhật Bản và một số nước khác

Nhận thấy đây là thời cơ tốt để phát triển yoyo, không chỉ bán ở Mỹ, Alan còn đem yoyo đến Nhật Bản. “Mỗi con yoyo bán ở Nhật Bản tôi lãi một đôla, mục tiêu của tôi là bán được một triệu yoyo để trở thành triệu phú. Đối với tôi mà nói, mục tiêu này giống như ‘Giấc mơ Mỹ’. “Tại Hội chợ Đồ chơi Tokyo đầu tiên mà chúng tôi tham gia, 78,000 cậu bé trong độ tuổi từ 9 – 12 xếp hàng khoảng 4km để chơi yoyo tại quầy của chúng tôi,” Alan kể lại. Trong năm đó, Alan giúp các công ty sản xuất yo-yo bán được 10 triệu rưỡi con yoyo, đem lại hoa hồng khoảng $1.2 triệu – $1.6 triệu mỗi tháng cho ông. Alan vì thế một lần nữa trở thành nhân chứng lịch sử của làn sóng bùng nổ trò chơi yoyo tại Nhật Bản và một số nước khác, lần này không phải với tư cách nạn nhân mà với tư cách một nhà kiến tạo.

Sau những thành công từ việc bán yoyo ở Nhật Bản, Alan quyết định phát triển hệ thống của mình sang Hàn Quốc, Hong Kong, Singapore, Anh, Pháp, Tây Ban Nha. Trong vòng 3 năm, ông đã bán được tổng cộng 30 triệu yoyo trên toàn thế giới và thu về 20 triệu đôla.

Với 24 năm kinh nghiệm kinh doanh diều và 3 năm bán yoyo, Alan quyết định nghỉ hưu, và sau đó ông quay lại làm việc ở một công ty mỹ phẩm với mong ước kiếm thêm 10 triệu USD nữa từ lĩnh vực này.

Chia sẻ về câu chuyện thành công trong việc trở thành triệu phú bán yoyo, Alan nói: “Bí mật lớn nhất là có một nụ cười trên môi và có một người thầy trong cuộc sống. Bạn muốn học bơi và người ta đưa cho bạn một quyển sách, bạn không thể nào bơi được. Nhưng có một người thầy hướng dẫn, chắc chắn bạn sẽ bơi được. Người ta thường nói rằng nếu khao khát của bạn đủ lớn thì người thầy sẽ xuất hiện. Và tôi đã có một người thầy như thế.”

Để lại một bình luận