Không nên xem nhẹ thời gian thử việc

Worklink

Không phải ngẫu nhiên mà mỗi công ty, doanh nghiệp lại đưa ra các mức thời gian thử việc khác nhau – 1 tháng, 2 tháng hay 3 tháng. Tuy nhiên, cũng có nơi ứng viên ngậm ngùi nói lời tạm biệt khi mới tiếp xúc công việc chỉ vỏn vẹn 1 tuần.

Tháng 8 đến tháng 10 là khoảng thời gian các tân cử nhân, kỹ sư ra trường cũng là lúc họ lục đục mang đơn đi tìm việc khắp nơi. Hàng năm số lượng cử nhân ra trường thất nghiệp rất cao, một phần là do họ chưa có kinh nghiệm thực tế nhưng cũng có rất nhiều trường hợp tự tin thái quá với tấm bằng đại học không bằng lòng với mức lương thử việc ít ỏi ban đầu nên chưa vượt qua được thử thách của nhà tuyển dụng.


20150911083236 14220

Hình ảnh minh họa


Lấy khó để thử nhân viên

Trên thực tế, có những ứng viên thể hiện rất tốt ở vòng phỏng vấn nhưng khi bắt tay vào công việc lại có thái độ, ý thức sai lệch với công việc, với doanh nghiệp, và với chính bản thân mình. Anh Trần Nguyễn Lê Văn, CEO hệ thống vexere.com cho biết, rất nhiều ứng viên khi được nhận vào làm việc thường tự tin thái quá, cho rằng mình có thể làm được nhiều việc, nhất là sinh viên khối ngành kinh tế, quản trị. “Các bạn cậy tốt nghiệp Đại học, được đào tạo bài bản nên nghĩ mình làm được nhiều việc, đòi hỏi công ty phải giao cho mình những phần việc, những dự án tầm cỡ đúng tầm với trình độ của mình. Thực tế, đó là những công việc đòi hỏi người làm phải có nhiều kĩ năng và kinh nghiệm, không nơi nào dám mạo hiểm giao việc đó cho một nhân viên mới “chân ướt, chân ráo” vào nghề. Chính sự tự tin thái quá đó sẽ khiến ứng viên tỏ ra không hứng thú, làm việc hời hợt và thiếu trách nhiệm khi được giao những công việc mà họ cho là nhỏ và không đúng với sở trường. Ở một số nơi, nhà tuyển dụng còn giao cho ứng viên những công việc đơn giản , nhàm chán chỉ để thử tinh thần trách nhiệm của nhân viên trước khi đánh giá và có quyết định chính thức với nhân viên này”, anh Lê Văn nhìn nhận.

Cũng nói về tinh thần trách nhiệm, chị Trần Hà Thanh, Phó phòng Nhân sự công ty PepsiCo Việt Nam, nhận định: nhiều nhân viên mới còn tỏ rõ thái độ thiếu trách nhiệm đối với khối lượng công việc mình được giao. “Khi tuyển dụng nhân sự, chúng tôi thường “vẽ” ra cảnh tượng công việc với đầy những khó khăn, áp lực đòi hỏi nhân viên phải bỏ nhiều thời gian, công sức và sự sáng tạo mới hoàn thành được. Và quả thực, 70% ứng viên đã từ bỏ ngay sau khi nghe những thông tin đó, 15% tiếp theo cũng “bỏ của chạy lấy người” sau khi trải nghiệm thực tế. Số còn lại cũng “rơi rụng” ít nhiều sau một thời gian thử việc vì cho rằng mức lương không tương xứng với công sức họ bỏ ra. Thực ra, đây chỉ là một chiêu thức để các công ty tuyển dụng được những người gắn bó lâu dài với công ty”, chị Hà Thanh cho biết.

Một cách thức khác cũng được các doanh nghiệp sử dụng để lựa chọn nhân viên khi gần hết thời gian thử việc là đưa ra một kế hoạch cụ thể rồi hỏi ứng viên có thể hoàn thành trong thời gian bao lâu. Khi một mình thực hiện kế hoạch, ứng viên sẽ bộc lộ những điểm yếu mà thời gian trước đó bản thân họ cũng chưa thấy. “Các bạn đã quen với việc được giảng viên giao bài tập tận nơi, được đơn vị thực tập cầm tay chỉ việc tận chỗ, lại thiếu sự quan sát học hỏi nên rất lúng túng khi tự mình phải kiếm việc để làm. Dựa vào mức độ và chất lượng hoàn thành công việc được giao của ứng viên, nhà tuyển dụng sẽ có những đánh giá chính xác về sự chủ động, linh hoạt và khả năng của người mà họ đang hợp tác”, anh Lê Văn chia sẻ.


Hãy “cho đi trước khi nhận lại”

Mổ xẻ nguyên nhân khiến nhiều ứng viên còn thiếu tinh thần trách nhiệm, chị Nguyễn Vân Anh, Trưởng phòng Đối ngoại công ty Unilever Việt Nam, cho rằng: sở dĩ ứng viên chưa dám hết mình trong thời gian thử việc là vì họ xem doanh nghiệp chỉ là chỗ trú chân tạm thời. Bởi trước khi được nhận vào thử việc, họ thường “rải” hồ sơ xin việc ở nhiều nơi mà thiếu sự đầu tư về thời gian để nghiên cứu xem bản thân mình có phù hợp với doanh nghiệp, công việc đó hay không. Thời gian doanh nghiệp thử việc ứng viên cũng là lức ứng viên… thử lại doanh nghiệp. Do tâm lý còn-có-nhiều-chỗ-để-đi nên khi công việc không phù hợp, không đáp ứng yêu cầu, nhàm chán hoặc quá nhiều áp lực, họ sẽ sẵn sàng từ bỏ và qua thử ở một doanh nghiệp khác, công việc khác. Do đó, để hạn chế số lần thử việc trước khi ổn định tại một số vị trí chính thức, chị Vân Anh cho rằng ứng viên nên dành nhiều thời gian để nghiên cứu công việc trước khi quyết định nộp hồ sơ và làm việc tại đó. “Có rất nhiều kênh thông tin để ứng viên tiếp cận, sàng lọc và lựa chọn những công ty mình thực sự muốn làm việc, phù hợp với khả năng và thế mạnh của mình. Dành nhiều thời gian cho việc tìm hiểu chính là cách tốt nhất để tiết kiệm thời gian và trí tuệ cho công việc cũng như tương lai của mình”, chị Vân Anh nói.

Ở góc độ khác, anh Lê Văn cho biết nhiều doanh nghiệp sẽ hỏi ứng viên về mức lương mong muốn đối với công việc của mình. “Theo tôi, các bạn nên có sự lựa chọn khôn khéo khi trả lời câu hỏi này. Và các bạn nên dành thời gian để trải nghiệm thực tế, hết mình với công việc mà doanh nghiệp giao cho trước khi đòi hỏi nhận được mức lương tương xứng. Cho đi trước khi nhận lại, đó cũng là điều mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng mong mỏi ở nhân viên của mình. Vì thế, các bạn sẽ không lo bị thiệt thòi sau khi đã dành hết khả năng và trách nhiệm cho chính công việc đó”, anh Lê Văn khẳng định.

Bài viết tham khảo: Những điều cần lưu ý khi xác minh thông tin của ứng viên

Để lại một bình luận