Hầu hết mọi người thường dành thời gian trong ngày của mình chủ yếu cho công việc. Thực tế là người Mỹ trung bình dành khoảng 100.000 giờ tại nơi làm việc trong cả cuộc đời của họ. Đây là lời nhắc nhở nghiêm túc về việc làm thế nào để cảm thấy “happy” trong công việc.
Công việc thường không đẹp như giấc mơ. Cảm hứng và sự mới lạ trong công việc thường sẽ sụt giảm sau năm đầu tiên. Tuy nhiên, có một vài bí kíp đơn giản bạn có thể áp dụng để reset lại và có cái nhìn tích cực hơn đối với công việc.
1. Tìm ý nghĩa trong công việc của bạn
Một trong những cách quan trọng để cảm thấy hạnh phúc tại nơi làm việc là hãy tìm những điều ý nghĩa trong công việc bạn làm. Bạn không cần phải là Giám đốc điều hành của một tổ chức phi lợi nhuận thì mới có cảm giác như là bạn đang làm thay đổi cuộc sống của nhiều người. Cho dù bạn là một giáo viên, một cô hầu bàn, hoặc một nhà điều hành công ty, thì bạn cũng phải tìm một lý do để yêu thích những công việc bạn làm. Bạn đều có thể giúp đỡ được mọi người cho dù họ là sinh viên hay những khách hàng. Nếu bạn còn đang lấn cấn trong việc tìm ý nghĩa trong công việc bạn đang làm, thì có thể sẽ gặp khó khăn để cảm thấy hạnh phúc trong công việc. Dành ít phút để nhắc nhở mình lý do tại sao mỗi công việc bạn làm đều có một vài ý nghĩa gì đó lúc đó bạn sẽ thấy niềm hạnh phúc của bạn tăng cao.
2. Kiểm soát tốt thời gian
Quản lý thời gian không nhất thiết là bạn phải sử dụng các ứng dụng quản lý thời gian mới nhất. Thật khó để cảm thấy hạnh phúc và hài lòng trong công việc khi bạn vẫn liên tục bị mất kiểm soát với rất nhiều công việc. Hãy bắt đầu mỗi tuần và mỗi ngày với các bản kế hoạch và mục tiêu cho những công việc cần phải được thực hiện. Và sau đó, hãy dành thời gian dự phòng cho công việc đột xuất làm chen ngang kế hoạch để chúng không khiến bạn phải bối rối về thứ tự ưu tiên. Khi bạn đã thực hiện được những phần việc quan trọng nhất và dành thời gian còn lại cho những công việc ít quan trọng hơn, bạn sẽ có thêm nhiều thời gian trống dành cho các hoạt động yêu thích khác nữa. Nói “không” có thể chưa phải là thói quen tự nhiên của bạn với tất cả mọi người, nhưng bạn sẽ hạnh phúc và khỏe mạnh hơn nếu bạn có thể quản lý thời gian một cách chủ động theo ý muốn của mình.
3. Lòng biết ơn
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh tác dụng của lòng biết ơn đối với tâm trạng của con người xét về tổng thể là tác dụng tốt. Một nghiên cứu đã giao cho hai nhóm sinh viên viết về những trải nghiệm về cảm giác biết ơn và nhóm còn lại viết về những cảm giác khó chịu mà họ đã trải qua.
Nhóm “biết ơn” sau đó cho kết quả về sự hài lòng và lạc quan về cuộc sống cao hơn nhóm còn lại. Một gợi ý khác, khi bạn cảm thấy căng thẳng quá lớn, hãy nhớ lại những công việc khó khăn mà bạn và đồng nghiệp của mình đã vượt qua trong quá khứ, những lời khen ngợi dành tặng cho bạn, bạn sẽ có thêm động lực và trạng thái tích cực hơn.
4. Thử thách chính mình
Sự nhàm chán chính là một trong những trở ngại lớn nhất đối với cảm nhận về sự hài lòng. Sau một năm lặp lại những công việc giống nhau, bạn có xu hướng mất đi hứng thú trong công việc. Hãy làm mới mình bằng cách thử làm những việc “mới toanh” để thách thức chính mình trong mùa hè này. Chúng ta thường có xu hướng cảm thấy hạnh phúc nhất khi chúng ta làm được những công việc tưởng như “vượt quá giới hạn của bản thân”.
5. Đừng ám ảnh về tiền lương của mình
Mặc dù không được tưởng thưởng công bằng hoặc cảm thấy không hài lòng khi bị chậm tăng lương, bạn cũng không thể để suy nghĩ như vậy kiểm soát mọi hành động của bạn được. Nếu bạn bước ra ngoài ăn trưa cùng đồng nghiệp, đừng tự mình có suy nghĩ so sánh rằng thưởng thức một dĩa cơm hoặc tô phở là tương đương với tiền công của nửa ngày làm việc; nếu bạn bắt đầu đi theo lối suy nghĩ này thì bạn sẽ sớm bị lấp đầy bởi sự tuyệt vọng. Thay vào đó, lập ra một ngân sách lớn hơn và tập trung vào nó, đừng nghĩ rằng mỗi một ít tiền bạn dùng để chi trả giống như một phần lương của bạn bị chia ra. Nếu bạn cảm thấy mình có thừa năng lực cho công việc của bạn thì có lẽ bạn sẽ hạnh phúc hơn khi được làm ở một vị trí được đánh giá cao hơn và phù hợp với nhu cầu của bạn. Bạn có thể yêu cầu sếp tăng lương hay chuyển qua một vị trí mới phù hợp với mình hơn.
6. Tự thưởng cho mình khi hoàn thành tốt đẹp một công việc
Mặc dù năng suất là điều rất quan trọng, tuy nhiên cũng cần chăm sóc cho sức khỏe tinh thần. Nếu bạn muốn được hạnh phúc trong công việc, thì bạn nên định kỳ tự thưởng cho mình vì đã hoàn thành được những nhiệm vụ quan trọng và làm tốt công việc của bạn trong một ngày. Bạn có thể thưởng thức một tách trà hoặc một cái bánh ngọt sau khi dạy xong hai tiết học khó khăn nhất của bạn. Bạn có thể dành mười phút để đọc tin tức thời sự sau khi bị quay cuồng trong một báo cáo phức tạp. Tìm bất cứ điều gì thúc đẩy bạn hoàn thành công việc của mình và sử dụng nó như là một phần thưởng sau một ngày vất vả. Tự thưởng cho chính mình cũng sẽ giúp cho bạn có một cái gì đó để mà trông đợi trong ngày làm việc của bạn. Bạn sẽ tràn đầy năng lượng và làm việc hiệu quả hơn nếu biết rằng bạn sẽ có một bữa tối hò hẹn lãng mạn sau một ngày làm việc.
7. Tránh xa bè phái
Đặc biệt quan trọng là nên tránh các nhóm mà mục tiêu đả kích là đồng nghiệp và quản lý: Sự tiêu cực sẽ rút hết năng lượng của bạn, khóa chặt hạnh phúc và những suy nghĩ tích cực. Làm việc dựa trên tinh thần thân thiện với tất cả mọi người thay vì tham gia một nhóm chỉ ba hoặc bốn người và xa lánh những người còn lại. Chắc hẳn bạn sẽ không muốn tham gia vào một phe nhóm mà sau lại thấy rằng những người trong đó quay lại đả kích bạn. Thay vào đó, hãy thử để có quan hệ tốt đẹp với tất cả mọi người để không bị giới hạn trong một mối quan hệ xã hội nào đó; niềm hạnh phúc của bạn sẽ được phát triển như mong muốn.
8. Tránh xa những kẻ tiêu cực bằng bất cứ giá nào
Các đồng nghiệp hay than van rên rỉ về vấn đề cá nhân hoặc công việc sẽ kéo bạn xuống và cản trở không cho chỗ làm việc thành một nơi hạnh phúc. Thay vì vậy hãy tập trung vào những người tích cực, vui vẻ, và có một thái độ lạc quan về công việc của họ. Nếu một trong những đồng nghiệp của bạn đang phàn nàn quá nhiều về công việc thì bạn sẽ bắt đầu có xu hướng tìm thấy vô số những mặt không tốt trong công việc. Tất nhiên, điều quan trọng là phải tinh ý, bạn không nên để cho các đồng nghiệp khác làm giảm niềm hạnh phúc của bạn.
9. Khi thất bại, đừng từ bỏ !
Ai trong chúng ta cũng đều đã từng ít nhất có 1 lần thất bại trong công việc. Bạn có thể thất bại trong 1 mảng công việc nào đó, hoặc thất bại trong tất cả nhiệm vụ được giao. Đừng nản lòng – nếu lãnh đạo và đồng nghiệp vẫn hết sức cảm thông và giúp đỡ bạn. Hãy tập trung nghiên cứu lại công việc mà bạn đang đảm nhận. Tìm hiểu ở công đoạn nào, vì sao mà bạn không thể thực hiện và hoàn thành được nó. Học hỏi và nỗ lực cải thiện. Đừng vội từ bỏ !
10. Biết được khi nào công việc của bạn không còn hiệu quả
Mặc dù có rất nhiều điều bạn có thể làm để được hạnh phúc hơn trong công việc nhưng cái gì đến rồi sẽ đến khi bạn nhận ra rằng không có gì làm bạn thực sự cảm thấy hạnh phúc trong công việc. Có lẽ đó là bởi vì bạn đang bị đối xử bất công tại nơi làm việc của bạn. Có lẽ bạn đang làm một điều gì đó mà bạn không thực sự tin tưởng thay vì theo đuổi niềm đam mê của bạn. Có lẽ bạn chỉ cảm thấy hoàn toàn bị kiệt sức và tẻ nhạt. Nếu bạn đã đi đến kết luận rằng không có gì bạn thực hiện khiến cho bạn thực sự hạnh phúc trong công việc thì đã đến lúc để bắt đầu tìm kiếm một công việc ý nghĩa hơn. Tất nhiên, việc tìm kiếm một công việc tuyệt vời thì nói dễ hơn làm trong thị trường việc làm hiện nay nhưng khi bắt đầu hành động tìm kiếm cũng đã có thể cho bạn nhiều hy vọng và ý nghĩa hơn trong cuộc sống của bạn.
Bài viết tham khảo: Sức mạnh của niềm tin