Tìm việc thời nay, nhân viên chọn… sếp

Worklink

Công ty danh tiếng, lương cao, nhiều cơ hội thăng tiến… Đó là những tiêu chí để một người lựa chọn công việc. Có người hài lòng với lựa chọn, có người không…và một trong số những lý do họ không hài lòng là sếp.


Nên., sếp cũng là yếu tố quan trọng khi chọn việc.


Các công ty không lạ gì cảnh khi sếp của phòng nào đó nghỉ việc, một loạt nhân viên dưới quyền đi theo và cuộc sống đặt tên cho những cuộc ra đi này là “ đảo chính”.

Theo khảo sát mới đây của Anphabe thực hiện trên 5.000 nhân tiên tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội từ ngày 30.10 đến hết ngày 30.11.2013 về 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam, đa phần người được khảo sát đã lựa chọn yếu tố người lãnh đạo nơi làm việc chỉ sau yếu tố lương và cơ hội thăng tiến. Các yếu tố còn lại là chất lượng công việc, văn hóa và danh tiếng của công ty.

Và tại buổi tọa đàm “Phong cách lãnh đạo: Sếp Bắc – Sếp Nam” do Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư phối hợp cùng thương hiệu Royal Salute tổ chức, khi công bố giải thưởng “50 Nhà Lãnh Đạo Doanh Nghiệp – Mark of Respect 2013” tại Hà Nội, các diễn giả cũng đã có sự tranh luận khá gay gắt về những tiêu chí cần phải có của một người đứng đầu doanh nghiệp.

Tham gia Diễn đàn, ông Lê Bá Thông, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần TTT, đã cho biết: “Cá nhân tôi đánh giá rất cao tính thủ lĩnh của các sếp Bắc. Họ luôn luôn giữ được bản lĩnh, sự chín chắn và cầm cương trong mọi hoàn cảnh. Với sếp Nam, trên bàn nhậu, đôi khi thói quen huynh đệ có thể “giết chết” vai trò thủ lĩnh trong họ. Ông Thông cũng khẳng định, đối mặt với khủng hoảng kinh tế, tính thủ lĩnh của những người đứng đầu doanh nghiệp càng cần được phát huy.

Theo 6 tiêu chuẩn đánh giá thương hiệu của nhà tuyển dụng cũng do Anphabe khảo sát thì danh tiếng công ty đã ở vị trí thứ yếu. Ngoài vấn đề lương, thưởng, người lao động mong muốn người lãnh đạo của mình phải có một tầm nhìn chiến lược. Nếu như trước đây quan niệm về một người sếp phải có tầm nhìn xa thì bây giờ họ phải có tầm nhìn nhanh và chuyển đổi nhanh để có thể thích nghi với sự biến động trong từng phút của thị trường.

tuyen-dung-viec-lam-tim-viec-lam-worklink

Nhân viên có quyền “soi” sếp


Phương Tây hay phương Đông, bất cứ thời kỳ nào độ vênh hay mâu thuẫn giữa người lao động và người sử dụng lao động luôn là điều hết sức bình thường. Sự khác biệt nằm ở các ứng xử của cả hai bên khi phát sinh mâu thuẫn. Nếu người lãnh đạo đòi nhân viên dưới quyền mình nỗ lực thì ngược lại nhân viên cũng “săm soi” và kỳ vọng vào sếp của mình. Ông Hoàng Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc của FPT Telecom, cho biết: “Nhân viên soi sếp không có gì đáng ngạc nhiên vì ở FPT nhân viên còn soi thẳng mặt sếp”.

Sếp chọn nhân viên, điều đó không có gì phải bàn cãi, nhưng cũng đến lúc nhân viên chọn sếp. Nếu lựa chọn được một sếp giỏi có nghĩa là tương lai phát triển của nhân viên sẽ đi xa hơn. Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, tính đến tháng 6.2013 Việt Nam có hơn 53 triệu lao động. Trong số đó có bao nhiêu người hài lòng với việc lựa chọn công việc của mình ? Có bao nhiêu người được làm việc với sếp giỏi, biết tạo hứng khởi cho nhân viên phát huy hết năng lực làm việc ?

Để có câu trả lời chính xác cho vấn đề này không đơn giản, đặc biệt khi nền kinh tế có nhiều biến động hiện nay. Tuy nhiên vào năm 2011, kết quả khảo sát của hãng nghiên cứu Gallup đã cho thấy chỉ có 48% người Việt Nam cảm thấy công việc của mình “lý tưởng”, một con số rất thấp so với 22 nền kinh tế châu Á. Thế nhưng, với câu hỏi “Bạn có cơ hội được cống hiến khả năng mỗi ngày hay không ?”, thì 72% người Việt Nam trả lời “có”, cao hơn Hàn Quốc (70%) và Nhật (66%).

Sự thông thoáng và cởi mở trong cách tư duy hiện đại đã tạo dựng nên một thế hệ sếp biết khuyến khích và động viên nhân viên phát huy cái tôi cá nhân. Cũng trong buổi Tọa đàm “Phong cách lãnh đạo: Sếp Bắc – Sếp Nam”, ông Kiên cho rằng: “Thăng tiến và muốn được thăng tiến là rất đáng quý và cần được khuyến khích. Với tôi, khi chọn một nhân viên kinh doanh tôi sẽ chọn người có ham muốn kiếm tiền, còn nếu tìm một người quản lý, tôi sẽ chọn người biết chứng minh, biết dành thành quả cho mục tiêu lâu dài”. Theo ông, tính chuyên nghiệp của người lao động chính là việc chuyên tâm vào việc gì đó và coi nó là nghề nghiệp của mình.

Con số khảo sát trên 5.000 lao động tại TP.HCM và Hà Nội của Anphabe chưa phải là tất cả ý kiến của người lao động. Tuy nhiên, những thông tin từ đó đã cho thấy góc nhìn mới trong quan điểm tìm kiếm công việc của người lao động hiện nay. Điều đó sẽ giúp ích cho các nhà tuyển dụng có những điều chỉnh thích hợp để có thể lựa chọn những ứng cử viên tiềm năng cho công ty của mình. Bà Michelle Rhee, nhà sáng lập và là Tổng Giám đốc của Tổ chức Vận động Cải cách và Giáo dục StudentsFist (Mỹ) khi trả lời câu hỏi của con gái “Mẹ làm việc gì giỏi nhất”, đã nói rằng bà giỏi nhất là tuyển dụng những người thông minh.

Bài viết tham khảo: Sống hết mình và bạn sẽ thành công!

Để lại một bình luận