5 xu hướng tác động đến môi trường làm việc trong thập niên tới

Worklink

Với sự phát triển vượt bậc của Internet, khuynh hướng toàn cầu hóa và sử dụng nguồn nhân lực toàn cầu thì môi trường làm việc trong thời đại ngày nay và dự báo 10 năm tới sẽ dần thay đổi.

tuyen-dung-viec-lam-tim-viec-lam-worklink

Những tác động nhiều nhất đến môi trường việc làm trong 10 năm tới bao gồm:

1. Thay đổi công nghệ

Sự phát triển của công nghệ hiện nay được ước tính là nhanh gấp 5 lần so với 10 năm trước đây. Thay đổi công nghệ vừa tác động tích cực vừa tiêu cực đến môi trường làm việc tại các doanh nghiệp. Thông tin truyền đi nhanh hơn, ứng dụng tốt hơn, cắt giảm nhân sự nhiều hơn dần tạo ta một khoảng cách khá xa giữa người tài và nhân viên bình thường.
 
Vấn đề giải quyết nhân sự dôi dư trong thời gian tới và cuộc chiến nhân tài trong tương lai là những hoạt động khốc liệt nhất và thách thức nhất đối với công tác nhân sự. Tại Việt Nam, rất nhiều công ty trước đây đã quen với cách làm việc cũ sẽ phải chuyển mình một cách bắt buộc và đây là thời điểm vàng để các giám đốc nhân sự có thể sàng lọc, chọn lựa để tối ưu hóa nguồn lực tốt nhất cho công ty.

2. Toàn cầu hóa sâu và rộng

Thiết kế tại Ý, lập trình tại Ấn Độ, hoàn thiện tại Trung Quốc và bán ra toàn cầu… là khuynh hướng không còn xa lạ ở những công ty đa quốc gia. Thời gian không còn là 8 giờ làm việc mà là 24/24, tối của quốc gia này là ngày làm việc của quốc gia khác.
Nguồn nhân lực cũng dần dịch chuyển từ tập trung sang phân tán, cũng như sự phát triển của công nghệ, khuynh hướng này khiến sự đào thải những nhân viên yếu kém diễn ra khốc liệt hơn.
Ngoài ra, sẽ dần xuất hiện xu thế “công dân toàn cầu” và “lao động toàn cầu”, nơi mà thị trường lao động là xuyên biên giới. Mô hình này không chỉ đúng đối với những công việc như gia công phần mềm hoặc những công việc liên quan đến Internet mà nó bao trùm tất cả, từ sản xuất đến dịch vụ, từ bán buôn đến bán lẻ.
Bên cạnh đó, toàn cầu hóa còn ảnh hưởng đến văn hóa doanh nghiệp và văn hóa làm việc. Hãy tưởng tượng trong tương lai, 1 công ty Việt Nam có sếp là người Việt, trưởng phòng là người Malaysia, nhân viên là người Sing, quản đốc là người Mỹ là chuyện không còn là xa vời. Môi trường đa văn hóa trong công ty cũng là thách thức đối với giám đốc nhân sự, người phải hòa hợp được tài năng giữa các nền văn hóa để tạo ra giá trị tối đa cho công ty.
3. Thắt chặt chi phí
Các công ty sẽ ngày càng thắt chặt chi phí hơn hoặc tinh gọn nhân sự hơn. Điều này là tất yếu. Sẽ không còn quá nhiều chi phí dành cho đào tạo và phát triển, sẽ không còn tình trạng dư thừa nhân viên yếu kém mà thay vào đó là những hệ thống quản lý chất lượng tối ưu. Các công ty sẽ hòa nhịp công nghệ quản lý của nhau (thông qua toàn cầu hóa) và tạo ra những mô hình tinh túy nhất và tiết kiệm nhất.
Áp lực dành cho các giám đốc nhân sự lúc này là làm sao tối ưu hóa được đội ngũ nhân viên trong điều kiện ngân sách hạn hẹp. Công tác đào tạo và phát triển cũng phải được xem xét để dùng ít hơn, được nhiều hơn. Các nhân viên trong công ty cũng sẽ phải làm việc đa năng hơn, các nhóm xuyên chức năng sẽ được thường xuyên được lập ra nhằm triển khai những dự án cho công ty mà không phát sinh thêm bất cứ chi phí nào cho công ty.
4. Thay đổi thị trường chóng mặt
Trước toàn cầu hóa và sự phát triển của công nghệ, các công ty đặc biệt là các công ty dịch vụ phải thật nhanh chóng đối phó với sự thay đổi của thị trường. Việc đa dạng hóa thị trường cũng sẽ được công ty chú trọng khi mà điều kiện gia nhập ngành càng ngày càng ít (do sự phát triển của công nghệ và sự tiết kiệm chi phí tối đa cùng với công nghệ quản lý tối ưu), do đó, tính cạnh tranh giữa các công ty ngày càng khốc liệt. Phản ứng nhanh và đa dạng tại các thị trường là đặc điểm của các công ty trong tương lai.
5. Tri thức quan trọng hơn tiền và công nghệ
 
Đã qua thời đạt của nền công nghiệp, xu hướng dần chuyển dịch sang thời đại tri thức, thời đại mà trí thông minh con người quan trọng hơn bất cứ ngân sách hay công nghệ nào.
Các giám đốc nhân sự sẽ phải tập trung vào nhân tài và lưu giữ nhân tài. Một viễn cảnh các trí thức thật sự sẽ bị lôi kéo không thương tiếc. Việc đối phó với sự lôi kéo của thị trường chỉ có hiệu quả khi công tác quản trị nhân tài, phát triển nhân tài thật nhanh. Đây là trách nhiệm khá nặng nề cho bất kỳ giám đốc nhân sự nào.
 
Ngoài ra, với sự phát triển của các mạng xã hội, tri thức thật sự “có giá” hơn bao giờ hết, họ có khuynh hướng chọn những công ty tốt nhất, trả lương hậu hĩnh nhất. Là một doanh nghiệp, nếu bắt đầu vào ngành, sẽ phải đầu tư cho nhân sự với số tiền lớn hơn nhiều so với trước đây. Điều này sẽ đi ngược với quan điểm cắt giảm chi phí liên tục, do đó, trách nhiệm của giám đốc nhân sự lúc này như một nhà cầm quân, làm sao để biến những nhân sự “bậc trung” chuyển thành những “siêu sao” và giữ được các siêu sao này trong ngân sách tối thiểu.
 

5 xu hướng trên là 5 xu hướng được dự báo sẽ xảy ra trong 10 năm kế tiếp. Với khuynh hướng như vậy, vai trò hoạch định nhân sự, đào tạo phát triển và lưu giữ nhân tài sẽ là trách nhiệm cực kỳ nặng nề cho các giám đốc nhân sự. Đối với các giám đốc nhân sự chúng ta, đây vừa là thách thức vừa là cơ hội, không lúc nào hết sẽ có sự cạnh tranh ngay trong chính nội bộ ngành nhân sự với nhau, và giá trị tri thức thật sự của các giám đốc nhân sự cũng sẽ là vàng nếu chúng ta biết cách sử dụng và đóng góp cho công ty, xã hội.

Bài viết liên quan: Những định hướng của nhân sự trong thời đại mới

Để lại một bình luận