Bạn có bao giờ từng “giãy nảy” lên khi nghe nói một công ty tuyển dụng yêu cầu ứng viên phải có kinh nghiệm làm việc ? Là sinh viên mới tốt nghiệp, chưa đi làm thì lấy đâu ra kinh nghiệm? Mà không có kinh nghiệm thì sẽ không có việc làm ư ?
Nếu trên đây là những suy nghĩ của bạn, tốt hơn hết hãy lưu bài viết này lại và luôn dùng nó để nhắc nhở bản thân !
Sinh viên Việt Nam ngày nay cực kỳ năng động, họ luôn biết cách tích lũy những kiến thức, kỹ năng, phẩm chất và kinh nghiệm tốt nhất cho mình ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Có thể họ không đủ kinh nghiệm làm việc như công ty tuyển dụng yêu cầu, nhưng họ sẽ có những thứ khác để thuyết phục nhà tuyển dụng lao động. Hãy đọc ngay những điều sau đây để tìm ra nguyên nhân và cách khắc phục nếu như bạn vẫn chưa có được công việc mình muốn.
Những sinh viên năng động !
“Sinh viên tình nguyện”
Những sinh viên năng động – họ không chỉ biết “vùi đầu vào sách vở” hay “mài đũng quần trên ghế nhà trường”, mà họ còn biết “mài dũa bản thân” qua những hoạt động ngoại khóa, các câu lạc bộ, đội nhóm, các chương trình tình nguyện, từ thiện, các hoạt động khác của lớp, khoa, trường , tỉnh/thành phố bạn đang học tập và sinh sống… Đừng xem nhẹ các hoạt động này!
Nó không chỉ giúp bạn rèn luyện thể lực, vui chơi hay có thêm bạn mới; mà rất nhiều kỹ năng cần thiết cho bạn như: kỹ năng làm việc độc lập, làm việc nhóm, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết phục, thương lượng, đàm phán… đều nằm trong đó cả. Bạn chỉ cần “xông vào” và “lấy nó ra” thôi!
Câu lạc bộ chuyên ngành
“Câu lạc bộ tương lai nghề nhân sự”
Ngoài ra, hãy kết nối với các câu lạc bộ liên quan đến chuyên ngành học của bạn tại trường. Nếu trường bạn không có, hãy tích cực tìm kiếm và xin gia nhập các CLB của trường khác. Cộng thêm việc chủ động kết nối với các anh chị khóa trên, bạn sẽ có được những lời khuyên vô cùng bổ ích và những “kinh nghiệm gián tiếp” mà các anh chị ấy đã tích lũy trong nhiều năm đấy!
Với các câu lạc bộ chuyên ngành học của mình, bạn sẽ củng cố lại kiến thức đã học trên lớp, bổ sung thêm kiến thức chuyên ngành, có được những lời khuyên hữu ích từ phía bạn bè, các anh chị khóa trên, thầy cô trong khoa và thậm chí là các doanh nhân bên ngoài có liên hệ với CLB.
Các hội thảo, chương trình, khóa đào tạo
Hãy tích cực tham gia các hội thảo, chương trình, khóa đào tạo kỹ năng liên quan đến nghề mà bạn được biết hoặc được mời tham gia. Luôn có rất nhiều các cơ hội tham gia miễn phí dành cho những sinh viên như bạn, hãy tận dụng nó. Còn đối với các chương trình có mất phí, hãy tìm hiểu và cân nhắc kỹ một chút nếu tài chính của bạn không được “dư dả” cho lắm. Nhưng đừng “tiết kiệm” với những thứ thật sự cần thiết. Những chi phí bạn bỏ ra hiện tại sẽ là sự đầu tư hữu ích cho tương lai đấy!
Vừa học vừa làm
Thứ nhất, hãy xác định rõ ràng: Bạn đi làm vì muốn học hỏi thêm kiến thức, rèn luyện kỹ năng và trau dồi kinh nghiệm chứ không phải làm để kiếm tiền mưu sinh. Bởi vì nếu bạn xác định sai mục tiêu, mọi sự tập trung và lĩnh hội của bạn sẽ hoàn toàn khác. Một mục tiêu sai lệch khiến bạn lãng phí thời gian và kết quả không đáp ứng được những gì mà bạn kỳ vọng.
Thứ hai, một khi đã xác định mục tiêu của mình, hãy chú tâm đến nó, dành thời gian, tâm trí và sức lực cho nó. Bạn đã từng có biết bao nhiêu dự định và kế hoạch đề ra mà không thực hiện được hoặc thực hiện không đến nơi đến chốn? Hãy lấy nó làm kinh nghiệm cho mục tiêu lần này!
Thứ ba, hãy chọn việc làm thêm gần với ngành học của mình hoặc tương lai nghề nghiệp mình muốn theo đuổi. Việc này có ý nghĩa rằng bạn đang bổ sung kiến thức cho ngành nghề mình lựa chọn, làm sáng tỏ hơn những cách thức mà công việc tương lai sẽ vận hành. Đồng thời, nó lại có giá trị bổ sung một cột mốc vào lịch sử kinh nghiệm làm việc của bạn. Còn gì tốt hơn khi bạn vừa ra trường thì sơ yếu lý lịch đã có ngay một dòng thể hiện kinh nghiệm cho vị trí ứng tuyển. Không quá khó khăn, chỉ cần bạn nhiệt tình và kiên nhẫn.
Ví dụ: Sinh viên ngành báo chí thì có thể cộng tác với các tòa soạn báo; Sinh viên trường marketing, kinh tế có thể trải nghiệm ở các vị trí PG, bán hàng thời vụ, cộng tác viên cho các sự kiện truyền thông; Sinh viên ngành xây dựng có thể thực tập không lương tại các công trường; Sinh viên sư phạm có thể đi gia sư…
Nên hỏi xin ý kiến và lời tư vấn của người đi trước để có những chỉ dẫn thiết thực, lời khuyên bổ ích giá trị. Không ai có thể thành tài và nên người mà không có sự dẫn dắt. Có thể bạn chăm chỉ, thông minh và khéo léo nhưng bạn cần được hướng dẫn thì những tố chất kia mới có thể hỗ trợ đắc lực và biến những điều bạn từng làm thành kinh nghiệm thực tế.
Điều cuối cùng nhưng cực kỳ quan trọng đó là phải biết cân đối thời gian và sức lực. Sắp xếp thời khóa biểu giữa việc học và đi làm sao cho thật hợp lý. Các bạn trẻ rất dễ rơi vào trường hợp vì quá mê công việc mà thiếu tập trung cho việc học, dẫn đến phải thi lại, kết quả học tập sa sút và tệ hơn nữa là nghỉ học. Không bao giờ được quên rằng nhiệm vụ chính của bạn là học. Điều này rất rõ ràng, tất cả các bạn đều biết, nhưng thực tế không ít sinh viên đã lạc mất con đường mình theo đuổi lúc nào không hay.
Tiềm năng của bạn là vô hạn! Bạn có thể ra trường với tấm bằng loại ưu trong tay; cùng với đó, các kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm cũng vô cùng phong phú. Bạn sẽ là một ứng viên tiềm năng mà bất cứ nhà tuyển dụng nào cũng săn đón. Tất cả đều có thể, nếu bạn đủ quyết tâm và nghị lực theo đuổi !
Tham khảo thêm: Triết lý khởi nghiệp của nghệ nhân Shushi