Bài học 100 triệu đô của cựu giám đốc Facebook

Worklink

Noah Kagan từng coi Facebook là cả cuộc sống của mình nên khi bị sa thải, vị cựu giám đốc sản phẩm này đã mất một năm mới vượt qua được sự suy sụp.


Ngày 29/9, Kagan (hiện là nhà sáng lập AppSumo) quyết định đối diện với sự thật khi đăng bài “Vì sao tôi bị đuổi việc” (vào năm 2006) trên blog của ông, chia sẻ những sai lầm đã khiến ông đánh mất cơ hội kiếm được khoản tiền 100 triệu USD.

Kagan gia nhập Facebook vào năm 2005, chỉ khoảng một năm sau khi Mark Zuckerberg thành lập công ty tại khu ký túc Đại học Harvard (Mỹ). 8 tháng sau, khi Facebook từ một công ty nhỏ bé với khoảng 30 người trở thành hiện tượng trên toàn cầu với 150 nhân viên thì Kagan bị “tống ra đường”.
Ông nhận ra khi mạng xã hội này phát triển, họ cần những người với kỹ năng khác nhau nhưng cả kỹ năng và thái độ của ông đều không phù hợp. Đây là điều mà bất cứ ai làm trong công ty mới thành lập và sau đó phát triển nhanh chóng cũng phải đối mặt, nên Kagan muốn chia sẻ kinh nghiệm “đau thương” của ông cho những người đó:
“Tôi sẽ kể cho các bạn về cái ngày tôi bị sa thải. Tôi đang nghĩ tới việc uống cafe với sếp thì thấy Matt Cohler (khi đó là Phó chủ tịch Facebook) ngồi ở bàn bên trong. Tôi biết ngay có chuyện gì đó không ổn. Matt thông báo rất nhanh còn tôi thì chết đứng khi nghe những lời đó. Họ đưa tôi trở lại văn phòng và lấy laptop, điện thoại của tôi. Tôi tới cửa hàng Verizon để sử dụng nhờ điện thoại, gọi cho bạn gái và về căn hộ tôi đang ở cùng với 6 thành viên Facebook khác.
Tôi dọn đồ, ra ban công hút hết nửa bao thuốc rồi lái xe tới ở tạm nhà một người bạn. Đêm ấy chúng tôi có một bữa tiệc BBQ và ai cũng hỏi công việc dạo này thế nào. Tôi uống say mèm và cầu nguyện đây chỉ là cơn ác mộng. Thời điểm đó, thứ tự những thứ quan trọng với cuộc đời tôi là:
1. Facebook
2. Bản thân tôi
3. Thức ăn/Chỗ ở
4. Bạn gái
5. Gia đình
6. Bạn bè
Nói cách khác, Facebook chính là toàn bộ cuộc sống của tôi. Các mối quan hệ, công việc, bạn bè… và mọi thứ khác đều gắn chặt với công ty. Vậy mà lại kết thúc như thế. Tệ hơn, tôi vừa được lên chức và tăng lương mới 2 tháng. Đó cũng là lần đầu tiên tôi bị sa thải và tôi đã mất cả năm để vượt qua cú sốc này.
Nhưng cuối cùng tôi cũng hiểu Facebook quyết định đúng khi để tôi đi. Khi bạn tuyển dụng, luôn có ba kiểu nhân viên:
1. Người phát triển: Người gia nhập khi công ty mới ở quy mô nhỏ và có thể phát triển kỹ năng để thích nghi với sự thay đổi khác nhau của công ty.
2. Người thể hiện: Người có thể rất phù hợp với công ty ở giai đoạn hiện tại nhưng không còn phù hợp khi có thay đổi.
3. Người từng trải: Họ có kinh nghiệm trước đây và biết cách hướng dẫn bạn áp dụng điều tương tự ở công ty mới.
Tôi thuộc kiểu người thứ hai. Tôi xử lý rất tốt các vấn đề của công ty ở quy mô 30 người. Tôi sẽ quyết định mọi công việc và đơn giản tới bàn của Mark Zuckerberg để xin chấp thuận. Nhưng khi mở rộng lên 150 người, mọi quyết định phải thông qua các cuộc họp và phải đặt lịch hẹn với Mark qua thư ký.
Tôi cảm thấy khó chịu với điều này và luôn nghĩ về cách làm việc trong quá khứ. Nó giống như khi nhớ về những kỷ niệm đẹp với người yêu cũ mỗi khi bạn gặp rắc rối, bực bội với cuộc sống hiện tại.
Có ba lý do khiến tôi bị sa thải:
Sự ích kỷ: Tôi muốn thu hút sự chú ý nên đã đặt bản thân trước Facebook. Tôi tổ chức các sự kiện tại văn phòng, chia sẻ thông tin lên blog và sử dụng thương hiệu công ty nhiều hơn là tôi có thể đóng góp cho nó. Giờ tôi nhận ra cách tốt nhất để nổi tiếng là tạo những sản phẩm tuyệt vời, không phải bằng việc viết blog, lập hội nhóm…
Marketing: Chúng tôi chuẩn bị giới thiệu một tính năng mới nhưng đội tiếp thị quyết định không làm gì. Do đó, vào đêm trước khi sự kiện diễn ra, tôi gửi e-mail cho trang TechCrunch để họ đăng điều này vào buổi sáng. Nhưng họ lại đưa tin ngay trong đêm khi sản phẩm chưa thực sự được công bố. Tôi không nghĩ mình sai vì đội marketing đã không làm gì để quảng bá tính năng mới. Nhưng đáng lẽ tôi nên tham gia, góp ý cùng với họ chứ không chỉ đứng bên ngoài và tự quyết định.
Kỹ năng: Bạn cần biết điểm yếu của mình trong công việc. Tôi không giỏi lên kế hoạch hay quản lý sản phẩm vào thời điểm đó. Giải pháp là cải thiện hoặc xin chuyển sang vị trí khác. Thường xuyên hỏi bản thân rằng liệu bạn có thể làm gì để tăng giá trị cho công ty. Nếu thực hiện điều đó, bạn sẽ không bao giờ bị sa thải (trừ khi mắc lỗi ngớ ngẩn hoặc công ty bị phá sản).

Ai cũng có thể bị thay thế và bạn không phải người đặc biệt đến mức công ty không tìm được người tốt hơn để thế chỗ bạn. Tất cả những điều trên khiến tôi mất việc. Thật may mắn tôi hài lòng với những gì mình đang có và những kinh nghiệm tôi có được khi không còn làm ở Facebook”.



Bài viết tham khảo: Jeff Bezos và bí quyết gây dựng Amazon

Để lại một bình luận