Muốn bộ máy nhân sự ổn định, giữ chân được nhân tài, các nhà quản trị nhân sự không chỉ cần biết vận dụng khéo léo những nguyên tắc cơ bản về dụng nhân, mà còn nên học tập cách thức mà các tổ chức khác đã thực hiện thành công.
Muốn bộ máy nhân sự ổn định, các nhà quản trị nhân sự phải biết vận dụng khéo léo những nguyên tắc cơ bản về dụng nhân
Hãng hàng không Southwest Airlines (Hoa Kỳ) và tập đoàn khách sạn quốc tế Marriott là những dẫn chứng về những doanh nghiệp có tỷ lệ thay đổi nhân lực rất thấp trong khi vẫn đều đặn tăng được doanh số và lợi nhuận qua từng quý. Nguyên nhân của thành công ấy chính là việc lãnh đạo luôn cung cấp những nhu cầu thiết yếu về mặt tinh thần cho nhân viên nhằm tạo nên sự gắn bó lâu dài với tổ chức. Cả hai doanh nghiệp trên đều tin rằng nếu chăm sóc nhân viên thật tốt thì các nhân viên sẽ chăm sóc khách hàng cũng rất tốt và sau đây là những cách chăm sóc cụ thể của họ.
1. Nhân viên cần được ưu tiên trước
Từng công khai trước báo giới, cả Marriott và Southwest Airlines đều đi ngược lại khái niệm truyền thống “Ưu tiên trước hết cho khách hàng” để dành ưu tiên cho nhân viên trước. Họ nhận thấy rằng cách tốt nhất để tạo cho khách hàng sự vừa lòng chính là có được một đội ngũ nhân viên vui vẻ, trung thành, được đầu tư kỹ lưỡng, luôn tràn đầy sinh lực làm việc. Nhà tài phiệt J.W. Marrott từng nói: “Hãy quan tâm đến cộng sự và họ sẽ quan tâm đến khách hàng”.
2. Coi trọng khả năng thích nghi với nền văn hóa doanh nghiệp của ứng viên
Khi cần tuyển thêm người mới, các nhà tuyển dụng không chỉ quan tâm đến kỹ năng làm việc, mà còn rất chú ý đến thái độ, tinh thần làm việc đồng đội và cá tính thân thiện, hòa đồng, sẵn sàng hỗ trợ người khác của ứng viên. Họ quan niệm rằng khi nhân viên có thái độ làm việc đúng đắn sẽ nhanh chóng học tập được các kỹ năng tác nghiệp và cũng thích nghi nhanh với môi trường làm việc.
Hãng Southwest Airlines thậm chí ghi rõ trong thông báo tìm người rằng ứng viên không nhất thiết phải có kinh nghiệm nghề nghiệp lâu năm, mà chỉ cần biết làm việc hết mình để mang đến dịch vụ tuyệt hảo cho khách hàng. Sau khi được tuyển dụng, các nhân viên mới sẽ được đào tạo một cách bài bản và một trong những nội dung quan trọng nhất mà họ được truyền thụ là nền văn hóa doanh nghiệp.
3. Gắn kết người mới với tổ chức ngay từ đầu
Nhân viên mới tuyển có được cảm giác là một phần của tổ chức càng sớm càng tốt. Các nhà quản trị có trách nhiệm hướng dẫn chu đáo để nhân viên mới cảm thấy họ là một phần quan trọng trong tổ chức ngay từ ngày làm việc đầu tiên. Nhân viên mới được mời tham gia những bữa ăn trưa thân mật với đồng nghiệp, được nhận món quà nhỏ động viên vào cuối ngày làm việc đầu tiên. Tất cả những việc làm nho nhỏ như vậy sẽ tạo ra sự gắn bó chặt chẽ giữa các nhân viên với nhau và đội ngũ nhân viên với tổ chức.
4. Đào tạo thường xuyên và tạo ra những cơ hội nghề nghiệp mới
Sau khi được tuyển dụng, nhân viên sẽ được cấp trên phác thảo sơ bộ con đường thăng tiến, được thông báo trước về cách thức đào tạo của doanh nghiệp cùng những cơ hội phát triển sự nghiệp. Những buổi huấn luyện về tinh thần đồng đội được kết hợp với các bài giảng nâng cao kỹ năng nghề nghiệp sẽ giúp cho các nhân viên cảm thấy luôn có những cơ hội mới để họ học tập, thăng tiến vì cấp trên luôn quan tâm thúc đẩy họ phát huy tốt những tiềm năng của bản thân.
5. Quan tâm đến nhân viên hơn trong những hoàn cảnh đặc biệt
Những món quà mừng ngày sinh hoặc ngày đặc biệt khác của nhân viên, thái độ chia sẻ chân thành khi nhân viên gặp phải chuyện buồn… đều là những việc làm có sức gắn bó các nhân viên hơn với tổ chức. Ngoài ra, sự quan tâm của cấp trên đối với hoàn cảnh gia đình của nhân viên, hỗ trợ các nhân viên vượt qua những khó khăn nhất thời để họ lấy lại thăng bằng và tiếp tục nỗ lực cống hiến cũng là những nghĩa cử có ý nghĩa mà các nhà quản trị không nên bỏ qua.
Bài viết tham khảo: “Giải mã” việc người lao động nhảy việc