Công ty nào cũng muốn nhân viên có hiệu suất làm việc cao và ổn định. Nhưng nhiều lãnh đạo mắc phải sai lầm khi chính họ không làm gương trước. Những lời nói của người lãnh đạo rất được xem trọng nhưng những gì họ làm mới được nhân viên noi theo.
Muốn nhân viên có hiệu suất làm việc cao và ổn định thì người lãnh đạo phải làm gương trước
Nếu bạn muốn nhân viên cống hiến hết mình mà không kiệt sức, thì bạn cần phải làm gương với những hành vi làm việc hiệu quả về mặt thể chất, tâm lý, trí óc và tinh thần trước. Nhưng sự thật là rất nhiều sếp có những hành vi không mang tính tích cực nơi công sở, dẫn đến việc nhiều nhân viên cảm thấy stress và bất mãn, từ đó bị phân tâm vì lo nghĩ tìm chỗ làm mới ngay tại văn phòng.
Theo một nghiên cứu của đại học kinh doanh Harvard Business, chỉ 25% trong số 19.000 nhân viên trên khắp thế giới trả lời khảo sát cho biết sếp của họ có những hành vi khuyến khích thái độ làm việc tích cực tại công ty.
Trong 4.750 nhân viên ấy, 55% biết họ cảm thấy nhiệt huyết với công việc hơn, 77% cảm thấy hài lòng hơn, và khả năng trung thành với công ty cao hơn 1,15 lần. Đáng kể nhất là gần 5.000 nhân viên kể trên cho biết họ tin tưởng gấp đôi vào lãnh đạo của mình.
Tạp chí Inc đã tóm tắt lại 4 điểm đáng chú ý nhất trong nghiên cứu của Harvard về phong cách lãnh đạo cần có của chủ doanh nghiệp nhằm thúc đẩy hiệu suất làm việc của nhân viên.
Khuyến khích nhân viên nghỉ ngơi
Bạn có thường động viên nhân viên ăn trưa ngoài văn phòng, thỉnh thoảng nghỉ giải lao, hay có những kỳ nghỉ dài ngày? Nếu chưa thì bạn cần làm luôn cả ba điều ấy.
Những việc này không chỉ đảm bảo nhân viên làm việc chăm chỉ hơn, hiệu quả hơn sau đó, dẫn đến nguồn tiền dồi dào hơn chảy vào túi công ty, mà nó còn giữ chân nhân viên lại với tổ chức.
“Trong khảo sát của chúng tôi, những nhân viên có lãnh đạo thường xuyên động viên họ nghỉ ngơi thì sẽ trung thành hơn 1,1 lần, nhất là khi sếp của họ làm gương trước”, báo cáo viết.
Đừng gửi email cho nhân viên vào cuối tuần
Nếu bạn gửi email cho nhân viên vào cuối tuần hoặc lúc tối khuya, bạn nghĩ mình đang gửi thông điệp gì cho họ? Kệ cả khi bạn đã tuyên bố “mọi người không cần phản hồi ngay trong cuối tuần đâu”, bạn nghĩ những người dưới quyền bạn sẽ làm gì?
“Một lần nữa, hành động có giá trị hơn lời nói. Kể cả khi bạn có thói quen viết email vào mọi lúc, hãy giữ nó lại trong thư mục nháp, và chỉ ấn ‘Gửi’ vào giờ hành chính”, báo cáo đưa ra lời khuyên.
Còn nữa, trong giờ hành chính, bạn có chấp nhận khi nhân viên để chế độ tự động trả lời email không? Việc có một chút thời gian để tập trung hoàn toàn vào công việc là rất quan trọng đối với nhân viên. Theo báo cáo, chỉ 21% người được hỏi cho biết họ có khả năng tập trung làm một việc ở công ty, và chỉ 18% cho biết họ dành ra được chút thời gian để tư duy sáng tạo và chiến lược.
Thể hiện sự cảm kích
Các nhân viên có những nhu cầu tình cảm cần được đáp ứng nơi công sở. Nếu bạn không nhận ra thực lực và đánh giá đúng cấp dưới, họ sẽ rời bỏ bạn tới một nơi khác. “Những con số của chúng tôi tái khẳng định một châm ngôn trước đó cho rằng: mọi người không nhảy việc, họ nhảy sếp”, báo cáo viết.
Khi nhân viên cảm thấy giá trị của họ được cấp trên ghi nhận, tỷ lệ ở lại với công ty nhiều hơn 1,3 lần.
Chia sẻ sứ mệnh và mục tiêu của công ty
Mục tiêu của công việc bạn đang làm là gì? Hay chỉ đơn giản bạn đang tích tiền chỉ để mua nhà và xe mới?
Báo cáo của Harvard cho thấy các lãnh đạo cần quán triệt nhân viên kể cả về mặt tinh thần. Chỉ 36% trong số người được hỏi cho biết công việc của họ có ý nghĩa và tầm ảnh hưởng. Nhưng 36% này khẳng định tỷ lệ họ ở lại với công ty là nhiều hơn gấp 3 lần.
Trong đó, “chỉ 22% cho biết lãnh đạo chia sẻ sứ mệnh của công ty một cách rõ ràng, kiên định và đầy cảm hứng, tuy nhiên với nhóm này, tỷ lệ trung thành của họ cao hơn 65%, sự hài lòng với công việc cao hơn 82% và khả năng họ trụ lại cùng công ty nhiều hơn 1,3 lần”, báo cáo thống kê.
Bài viết tham khảo: Nâng cao hiệu quả làm việc nhóm của nhân viên