Peter Thiel sinh năm 1967, tuổi Đinh Mùi. Anh đang là nhà đầu tư mạo hiểm rất thành công với các công ty mới thành lập, anh từng giúp đỡ Mark Zuckerberg trong những ngày mới bước vào sự nghiệp kinh doanh. Rất nhiều mỹ từ và danh hiệu có thể được gán cho Peter Thiel, kiện tướng cờ vua, đồng sáng lập phương tiện thanh toán phổ biến mang tên Paypal, bộ óc hàng đầu trong nhóm những người được xưng tụng là “Paypal Mafia”, nhà đầu tư thành công với nhiều thương vụ bạc tỉ… Bên cạnh tài năng thiên phú trong lĩnh vực đầu tư, Peter Thiel còn nổi tiếng với những quan điểm có phần lập dị về nhiều khía cạnh trong kinh doanh và khởi nghiệp, tuy nhiên ông đưa ra những lý luận sâu sắc để bảo vệ quan điểm của mình, khiến cho không ít người phải gật gù tán thưởng.
Peter Thiel hiện đang sở hữu khối tài sản lên tới 2,2 tỷ USD
“Bố già” của giới đầu tư mạo hiểm
Peter Thiel hiện đang sở hữu khối tài sản lên tới 2,2 tỷ USD, đứng thứ 284 trong danh sách 400 người giàu nhất thế giới theo xếp hạng từ Forbes. Anh được mệnh danh là thiên tài về đầu tư mạo hiểm khi liên tục thành công với các khoản tiền dành cho những công ty mới thành lập.
Năm 1996, Peter Thiel thành lập Quỹ tín dụng Thiel – hoạt động kiểu multi strategy (đa chiến lược). Đây cũng là tiền đề cho sự ra đời của công việc mang lại danh tiếng cho Peter Thiel tại thung lũng Silicon – CEO của PayPal.
Doanh nhân 48 tuổi được biết đến nhiều nhất bởi vị trí đồng sáng lập công ty PayPal – một công ty hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, chuyên cung cấp các dịch vụ thanh toán và chuyển tiền qua mạng Internet. Công ty này chính thức được IPO vào năm 2002. Một năm sau, Peter Thiel bán lại PayPal cho eBay và thu lại khoản lợi nhuận khổng lồ 1,5 tỷ USD.
Với khoảng 3,7 cổ phần tại PayPal, Peter Thiel nhận được khoảng 55 triệu USD và thành lập Quỹ tín dụng Clarium. Từ đây, sự nghiệp của doanh nhân người Đức khởi sắc với chính sách đầu tư mạo hiểm, hàng loạt các tên tuổi mới thành lập nhận được sự giúp đỡ của Peter Thiel và đã thành công như: Friendster, LinkedIn, Rapleaf, Geni.com, Yelp.Inc, Palantir …
Đặc biệt, Peter Thiel cũng “giúp đỡ” Mark Zuckerberg trong những ngày đầu tiên hoạt động Facebook với khoản đầu tư 500.000 USD (tương đương 7% cổ phần), anh cũng đồng thời là một trong ba thành viên của Hội đồng quản trị của công ty này vào năm 2007 cùng với chính Mark Zuckerberg và Jim Breyer.
Peter Thiel từng hậu thuẫn Facebook
Hiện nay khi mà giá trị vốn hóa của Facebook đã đạt mức 100 tỷ USD, Peter Thiel cũng được lợi không hề nhỏ. Và điều này góp phần lớn trong việc đưa Peter Thiel vào danh sách 400 người giàu nhất thế giới của Forbes.
Quan điểm lập dị về kinh doanh
Bên cạnh tài năng thiên phú trong lĩnh vực đầu tư, Peter Thiel còn nổi tiếng với những quan điểm có phần lập dị về nhiều khía cạnh trong kinh doanh và khởi nghiệp, tuy nhiên ông đưa ra những lý luận sâu sắc để bảo vệ quan điểm của mình, khiến cho không ít người phải gật gù tán thưởng.
1. Không làm việc với người mặc vest
Đối với công việc làm ăn, ông đưa ra một tuyên bố gây sốc: “Không làm việc với những người mặc vest”. Quan điểm này có nhiều điểm tương đồng với một hiện tượng tâm lý thú vị là những giáo sư ăn vận tuềnh toàng, thậm chí có phần luộm thuộm trong các buổi hội họp hàn lâm lại có xu hướng được sinh viên đánh giá là uyên bác hơn những người ăn mặc nghiêm chỉnh. Ở một khía cạnh nào đó, khi một doanh nhân lựa chọn không khoác lên mình bộ vest chỉn chu đồng nghĩa với việc anh ta sẵn sàng trở thành tâm điểm của sự chú ý (và tất nhiên cả sự soi mói), do anh ta đủ tự tin rằng năng lực của mình sẽ khỏa lấp được mọi điểm trừ khác.
“Thay vì cố nói với cả thế giới rằng bạn giàu có và quyền thế thông qua những bộ trang phục hào nhoáng, hãy chứng minh cho tôi thấy bạn độc lập và thành công đến mức dám ăn mặc phá cách”, Peter viết trong cuốn sách “Zero to One” của mình.
2. Là người sống sót quan trọng hơn là người đi đầu
Ngày nay khi phân tích kinh doanh, người ta có xu hướng chú trọng nhiều vào cái gọi là “Lợi thế của người đi đầu”. Trên thực tế Thiel cho rằng cách nghĩ này có thể gây hại cho doanh nghiệp khi quá nôn nóng dẫn đầu thị trường. Quan trọng hơn cả việc là người mở đường, bạn phải là người sống sót sau tất cả, nếu không thì mọi thành quả đạt được trước đó đều không có ý nghĩa. Tương tự như khi chơi bài poker, nếu bạn là người chơi cuối cùng, bạn sẽ có được nhiều thông tin nhất, và có thể đưa ra quyết định sáng suốt nhất. Do đó, trong mọi lĩnh vực, bạn cần có hiểu biết về giai đoạn tàn cuộc trước khi học bất cứ thứ gì khác.
Thiel cũng khuyên những nhà khởi nghiệp trẻ: “Hãy vạch ra một kế hoạch. Nguyên tắc cơ bản là thà có một kế hoạch tồi còn hơn không có kế hoạch gì mà cứ nhắm mắt làm liều.”
3. Hãy áp dụng nguyên lý của cờ vua vào kinh doanh
Từng là một kỳ thủ có hạng trong làng cờ vua, Peter Thiel tâm sự ông thường xuyên áp dụng những quy tắc và triết lý trong cờ vua vào kinh doanh. Trên một bài cờ, mỗi quân cờ có điểm mạnh và điểm yếu riêng, và đóng góp giá trị khác nhau vào cục diện ván cờ, đòi hỏi người chơi phải nắm bắt được chính xác. Trong công ty của bạn cũng vậy, người quản lý là bạn cần có khả năng đánh giá được vai trò và giá trị của từng nhân viên đối với tổ chức. Và trong bất cứ lĩnh vực nào cũng có sự phân biệt thành các bậc nghiệp dư, trung cấp, chuyên gia, thậm chí là siêu cao thủ.
Peter Thiel là một kiện tướng cờ vua
Tiếp đó, bạn cần biết làm sao để các nhân viên của mình phối hợp với nhau thật nhịp nhàng, xử lý công việc nhanh gọn hiệu quả nhất có thể. Thiel chia nhân viên trong một công ty bất kỳ thành hai nhóm, nhóm “kỹ sư” và nhóm “vận động viên”. “Kỹ sư” là nhóm những người thông minh, có khả năng xử lý vấn đề tốt, là những người chịu trách nhiệm tạo ra những cải tiến cho công ty, nhưng nhìn chung không có thái độ cạnh tranh. Ngược lại, “vận động viên” là những người yêu thích sự cạnh tranh và luôn tìm kiểm cảm giác đó. Một công ty chỉ có toàn người thuộc dạng “vận động viên” thì sẽ bị ám ảnh bởi kết quả thắng thua và chẳng để ý tới điều gì khác. Trong khi đó một công ty khác nếu sở hữu toàn người thuộc dạng “kỹ sư” thì cũng sẽ trở nên thờ ơ, thụ động, chậm phản ứng trong môi trường cạnh tranh khắc nghiệt. Do đó người quản lý cần biết cân bằng tỷ trọng của hai nhóm người này trong doanh nghiệp sao cho phù hợp.
4. Bước qua cửa chính
Nổi tiếng từ khi còn niên thiếu với danh hiệu kiện tướng cờ vua, từng là luật sư trước khi nhảy sang kinh doanh và thành công rực rỡ với những phi vụ đầu tư thu về bạc tỷ, Peter Thiel khiến cho người ta có cảm giác ông sinh ra là để thành công, và rằng con đường của ông trải đầy hoa hồng. Trên thực tế nhà đầu tư lẫy lừng này cũng trải qua giai đoạn băn khoăn tìm kiếm mục đích sự nghiệp như tất cả những người trẻ tuổi ngày nay.
Ông chia sẻ: “Ban đầu, tôi theo đuổi con đường được vạch sẵn cho mình: học đại học luật, rồi trở thành luật sư chuyên nghiệp. Nhưng tới khi tôi có được vị trí trong một công ty luật ở New York, tôi bắt đầu cảm thấy mình dần đi vào ngõ cụt. Ở đó diễn ra tình cảnh “trong chán ngoài thèm” khi những vị luật sư ưu tú bên ngoài thì khao khát được vào, còn những đồng nghiệp của tôi thì lại muốn nhảy ra. Ai cũng nghĩ rằng mình đã nỗ lực rất nhiều để có công việc này, và có rất nhiều người khác mong mỏi được như mình, những điều đó vô hình chung trở thành rào cản khó phá vỡ. Không ít người loay hoay không tìm được lối thoát mà không biết rằng chỉ cần đơn giản bước qua cánh cửa chính của công ty. Và tôi đã làm thế.”
Sau khi “bước qua cánh cửa chính” của công ty luật, Peter Thiel mới chính thức theo đuổi sự nghiệp kinh doanh đã làm nên tên tuổi của ông ngày nay.
5. Đừng học nữa, hãy khởi nghiệp đi
Đối với những người trẻ tuổi có ước mơ khởi nghiệp kinh doanh, Peter cũng có một lời khuyên độc đáo: “Đừng học nữa, hãy khởi nghiệp đi”, và ông cũng chứng minh mình không vui miệng nói chơi bằng cách lập hẳn một quỹ hỗ trợ mang tên Thiel Fellowship. Quỹ này lựa chọn ra 20 sinh viên ưu tú nhất và trao cho mỗi người 100.000 USD để tạm thời gác lại việc học lên cao hơn mà tập trung ngay vào việc theo đuổi những ý tưởng kinh doanh của mình.
Theo quan điểm của Thiel, mọi người đều tin bạn phải có tấm bằng đại học làm vật hộ thân, và thế là họ hy sinh một khoảng thời gian không hề ngắn trong tuổi thanh xuân giàu năng lượng và trí tuệ nhất của mình để ngồi trên ghế nhà trường. Thế rồi không ít tân cử nhân hồ hởi cầm tấm bằng tốt nghiệp và hoang mang trước tình trạng thất nghiệp cùng một số nợ khổng lồ trên đầu. Đôi khi bằng cấp chỉ mang tính chất trang trí, và nếu như vậy thì không nên lãng phí thời gian vào nó. Ví dụ lớn nhất mà Peter Thiel đưa ra là về sự thành công của Facebook, nếu Mark Zuckerberg không bỏ ngang việc học mình tại Havard mà tiếp tục đến năm 2006, có lẽ Facebook sẽ không thể trở thành mạng xã hội lớn nhất thế giới như hiện tại.
Quan điểm của Peter Thiel tất nhiên gây ra những tranh cãi không dứt, thậm chí bị chỉ trích từ phía những người theo trường phái coi trọng việc học hành đến nơi đến chốn. Nhưng không thể phủ nhận thực tiễn xã hội nói chung và lĩnh vực kinh doanh nói riêng đang ngày càng chứng kiến những người trẻ tuổi dám nghĩ dám làm và thành công với lựa chọn của mình dù không giắt túi tấm bằng hào nhoáng nào. Và Peter đã đúng khi cho rằng chúng ta cần suy nghĩ nghiêm túc về ý nghĩa của mọi việc mình làm, bao gồm cả việc học đại học, thay vì nhắm mắt đưa chân theo lối tư duy chung của những người xung quanh.
Bài viết tham khảo: Câu chuyện về một huyền thoại kinh tế Hàn Quốc