Chính sách nhân sự độc đáo của Chipotle

Worklink

Giá cổ phiếu tăng 1.088%. Doanh số bán hàng hiện tại đạt 3,2 tỷ USD từ mốc 471 triệu USD năm 2006. Chipotle là điển hình cho thương hiệu thức ăn nhanh tăng trưởng mạnh của Mỹ.
Đà tăng trưởng của Chipotle vẫn chưa có dấu hiệu ngưng lại khi giá cổ phiếu tiếp tục tăng lên 20% trong năm nay. Điều gì đã tạo ra thành công như vậy cho Chipotle?
Có 3 lý do chính có thể kể đến là tầm nhìn chiến lược, quy trình làm việc chặt chẽ và chính sách nhân sự độc đáo của công ty này, theo Paul Petrone – Giám đốc nhân sự VoiceGlance (mạng xã hội dành cho các quản lý nhân sự cấp cao chia sẻ kinh nghiệm tuyển dụng tại Mỹ).
Về chiến lược, Chipotle đã thành công trong việc hấp dẫn người Mỹ đổi khẩu vị từ các thức ăn chế biến sẵn sang các thực phẩm tươi tự nhiên.
Bám sát tầm nhìn chiến lược đã được hoạch định rõ ràng, Chipotle xây dựng quy trình làm việc chặt chẽ trong đó đặt nhân viên làm trung tâm.
Nếu vào mục tuyển dụng trên website của Chipotle, bạn sẽ thấy có rất ít thông tin đăng tuyển cho các vị trí quản lý, nhân viên cấp cao.
Thương hiệu này chỉ tuyển những vị trí nhân sự cơ bản có mức lương thấp nhất trong công ty.
Lý do cho điều này là vì Chipotle chọn chính sách phát triển nội bộ làm trung tâm. Định hướng này giúp gia tăng sự gắn kết của nhân viên với công ty và cách giảm chi phí tuyển dụng nhân sự hằng năm.
Cụ thể, Chipotle công bố minh bạch lộ trình phát triển sự nghiệp một nhân viên từ vị trí phục vụ có mức lương 9 USD/giờ đến giám đốc nhà hàng với thu nhập 87.000 USD một năm cùng thông tin các nhân sự thực tế đã đạt được điều đó trên website tuyển dụng của công ty.
Lộ trình phát triển tại Chipotle có 6 nấc thang. Đi kèm mỗi vị trí công việc là mức lương, chế độ đãi ngộ và trách nhiệm tương ứng.
“Chipotle là một nơi mà mỗi nhân viên mới đều được đối đãi công bằng. Các nhân viên hiểu được rằng Chipotle mong muốn họ trở thành quản lý và sẵn sàng cung cấp mọi sự hỗ trợ để bạn đạt được điều đó”, CEO Chipotle – Monty Moran tuyên bố trong đoạn video phát trên website tuyển dụng.
Và đây là 3 lý do tạo nên thành công của Chipotle:

1. Siết chặt đầu vào

Với định hướng này, Chipotle kiểm soát chặt chẽ quá trình tuyển dụng nhân viên mới so với các đơn vị kinh doanh thức ăn nhanh khác.
Khi ứng viên dự tuyển, Chipotle sẽ cung cấp thông tin về website nghề nghiệp của công ty và yêu cầu ứng viên tìm hiểu kỹ chính sách nhân sự của Công ty.
Các cuộc phỏng vấn được xây dựng theo hình thức nhóm. Tất cả các thành viên làm việc trực tiếp với ứng viên đều sẽ tham gia phỏng vấn.
Trong suốt quá trình tuyển dụng, Chipotle quan tâm rất ít đến kinh nghiệm làm việc của ứng viên và đòi hỏi bằng cấp chỉ ở mức trung học.
Thay vào đó, họ tìm kiếm các cá nhân có 13 tính cách đặc trưng Chipotle cần, những người thực sự yêu thích các món ăn của Chipotle và đã tìm hiểu rõ các tài liệu được giao.
Những kỹ năng cần thiết cho công việc sẽ được cấp quản lý tập huấn cho nhân viên theo từng bậc sau khi trúng tuyển.
Cách làm này giúp ứng viên hiểu rõ về quá trình thăng tiến nội bộ của Chipotle ngay từ những ngày đầu tiên. Từ đây, ứng viên sẽ được truyền nhiều động lực hơn.

tong-thong-obama-chipotle

Tổng thống Obama dùng bữa tại một cửa hàng của Chipotle ở thung lũng Coachella, bang California

2. Đi lên từ vị trí thấp nhất

Khi đã trúng tuyển, nhân viên mới sẽ thử làm qua mọi công việc trong nhà hàng, từ rửa chén đến thu ngân lẫn vào bếp.
Song song đó là quá trình tập huấn diễn ra liên tục theo từng nấc phát triển của nhân viên.
Chính sách nhân sự này mang đến 2 lợi ích cơ bản giúp cấp quản lý quản trị vững chắc hơn:
Thứ nhất, họ hiểu chính xác quy trình làm việc ở nhà hàng sẽ diễn ra như thế nào, từ đó kiểm soát và ứng phó với mọi sự kiện tốt hơn.
Thứ hai, cấp quản lý cũng hiểu rõ tính chất lẫn các yếu tố tác động đến tâm lý của từng vị trí nhân viên trong nhà hàng, vì họ đã từng làm qua các việc này trước đó.

3. Chính sách cùng phát triển

Điểm mấu chốt để chính sách nhân sự của Chipotle vận hành liên tục là hai quy định về lợi ích thực tế của người quản lý.
Thứ nhất, quản lý trực tiếp của mỗi nhân viên sẽ được thưởng nếu nhân viên cấp dưới do họ đề bạt được thăng tiến. Vì vậy các quản lý chủ động tìm kiếm các nhân viên tiềm năng và dành thời gian để tập huấn cho họ.
Thứ hai, quản lý chỉ có thể tự đề bạt bản thân khi họ tìm được người thay thế xứng đáng.
Khi quản lý được đề bạt lên chức vụ cao hơn, các nhân viên dưới quyền sẽ được phỏng vấn độc lập về quá trình quản lý của cá nhân này. Nếu các nhân viên có lời phàn nàn hoặc không đồng tình, người quản lý này sẽ không được thăng tiến.
Cuối cùng, Chipotle mang đến cho các nhân viên của mình điều mà rất ít công ty Mỹ hiện nay quan tâm: cơ hội để chạm vào “Giấc mơ Mỹ”. Bất kể quá khứ ra sao, chỉ cần các nhân viên làm việc chăm chỉ thì họ đều sẽ được thăng tiến.

Điều này tạo nên tác động tâm lý tích cực. Các nhân viên tự thúc đẩy bản thân tăng năng suất làm việc, giúp Chipotle thu về 3,2 tỷ USD lợi nhuận mỗi năm.



Bài viết tham khảo: Bài học tăng năng suất lao động từ một người Nhật

Để lại một bình luận