Bằng cách truyền đạt những kỳ vọng rõ ràng, bạn sẽ giúp các thành viên trong đội biết rõ trách nhiệm để nhanh chóng đạt được yêu cầu công việc, hay thậm chí vượt ngoài mong đợi.
Hình ảnh minh họa
Dưới đây là các bước giúp nhân viên hiểu rõ hơn kỳ vọng của bạn:
Hiểu rõ mong muốn
Trước khi truyền đạt kỳ vọng của mình cho nhân viên, bạn cần biết rõ mình muốn gì, ít nhất là một kết quả cụ thể để diễn đạt một cách gãy gọn và mạch lạc. Những thông tin cần truyền đạt là kết quả mà bạn muốn thấy, các mốc thời gian (thời hạn cụ thể nếu có), và cách báo cáo (báo cáo tận nơi, qua email hay sử dụng excel, powerpoint).
“Có ai hỏi gì không?”
Đừng quên hỏi nhân viên câu hỏi này, và hãy nhớ trả lời từng câu hỏi liên quan đến nguồn lực cụ thể để hoàn thành nhiệm vụ. Nếu các thành viên của công ty chưa thể đưa ra được câu hỏi ngay lúc đó, hãy luôn sẵn sàng đón nhận những câu hỏi của họ trong quá trình thực hiện công việc. Nếu không, nhân viên có thể sẽ đi sai hướng và làm tốn thời gian, công sức của cả hai bên.
Trao quyền
Một trong những kỹ năng mà bất kỳ nhà quản lý nào cũng cần phải có là trao quyền lực cho nhân viên. Không nên quản lý quá sâu sát cách nhân viên thực hiện công việc, trừ một số trường hợp sau:
– Người nhân viên mới thực hiện công việc đó lần đầu.
– Bạn nhận được những thắc mắc cụ thể về cách làm việc.
– Kết quả công việc gắn bó chặt chẽ với toàn bộ quá trình thực hiện.
Việc ủy quyền sẽ thúc đẩy nhân viên chủ động tìm cách tốt nhất để giải quyết vấn đề và có thể đưa ra những phương pháp cải tiến quy trình làm việc.
Hỗ trợ khi cần
Đừng ngại ngần chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm của mình cho nhân viên. Bất kỳ nhà quản lý nào cũng muốn các thành viên sáng tạo và chủ động khi làm việc, nhưng cũng cần cung cấp cho họ những nguồn lực và nguồn dữ liệu cần thiết để thực hiện công việc. Bạn có thể tận dụng cơ hội này để đào tạo cho nhân viên những kỹ năng cần thiết.
Quản lý hiệu quả đầu ra
Dựa vào đặc điểm và thói quen làm việc của cả đội, hãy lựa chọn một cách phù hợp nhất để cập nhật tình hình và điều chỉnh hướng đi chung. Bạn có thể đặt ra các mốc thời gian cụ thể để gặp gỡ từng cá nhân hoặc nhóm chịu trách nhiệm từng phần việc cụ thể. Nếu nhóm có tinh thần hợp tác cao và mọi người đều muốn nhận được những ý kiến góp ý và sự hỗ trợ từ đồng nghiệp, hãy thường xuyên tổ chức những buổi họp nhóm.
Bài viết tham khảo: Bài học quản lí từ Steve Jobs