Giờ đây, cái tên Warren Buffett không còn mấy xa lạ với mọi người ở khắp các châu lục, bởi vì con người này có một tầm ảnh hưởng vô cùng rộng lớn và luôn có mặt trong danh sách những người giàu nhất thế giới suốt hai thập kỷ vừa qua.
Song, ít ai biết rằng, vị tỷ phú 80 tuổi đáng kính ấy, “nhà hiền triết vùng Omaha” của Hoa Kỳ thuở thiếu thời lại là một cậu học sinh thường bị điểm kém, từng bỏ nhà đi hoang, nhiều lần tham gia đánh cắp những món đồ thể thao từ cửa hiệu Sears, điều hành một lộ trình giao báo năm 13 tuổi, mua một trang trại 40 mẫu Anh vào năm học lớp 10, bị trường Harvard từ chối, có một cuộc tình “đầy sóng gió” với Hoa hậu Nebraska 1949 Vanita Mae Brown, từng là một “tín đồ” trung thành có thâm niên hàng chục năm của Pepsi trước khi chuyển sang uống Cherry Coke của Coca-cola từ năm 1987, kết thân và xem vợ chồng tỷ phú số 1 thế giới 2009 Bill Gates và Melinda Gates gần như con ruột nhưng không bao giờ đầu tư một đồng vào “đế chế” Microsoft hùng mạnh, cùng vô số những thương vụ đầy táo bạo mang đến cho ông những thành công tột bậc (và một vài thất bại “nho nhỏ”) dọc theo chiều dài sự nghiệp của ông… cho đến khi đọc TheSnowball – Hòn Tuyết Lăn, quyển tự truyện về cuộc đời và sự nghiệp của Warren Buffett do Alice Shroeder chấp bút theo đề nghị của chính ông.
Tỷ phú của Niềm tin
Theo Warren Buffett, để trở thành một nhà đầu tư chứng khoán xuất sắc, không nhất thiết phải đến Wall Street, dẫu rằng khi mới bước vào đời, ông đã rất tự hào được đặt chân vào một trong những công ty môi giới chứng khoán thành công nhất của Thị trường Chứng khoán New York. Song, ông đến New York là để “tầm sư học đạo” chứ không phải để kinh doanh chứng khoán. Chính Omaha, chứ không phải Wall Street, mới là nơi mà ông thuộc về.
Qui tắc đầu tư của ông vô cùng đơn giản: chọn đúng “điểm rơi” để mua vào hay bán ra, và“Phải biết tham lam khi người khác hoảng sợ, và nên khiếp sợ khi người khác tham lam”.Ông thường nói rằng đầu tư và đầu cơ chỉ cách nhau bởi một lằn ranh rất mỏng manh. “Nếu chỉ chăm chăm vào giá cổ phiếu thì đó chỉ là một kẻ đầu cơ. Nhà đầu tư thực sự phải nhìn vào những hoạt động sản xuất kinh doanh có thể tạo ra lợi nhuận”. Ví dụ sống động nhất cho sự “tham lam khi người khác lo sợ” và “chọn đúng điểm rơi” là vụ ông đầu tư 5 tỉ đô la vào Tập đoàn Tài chính Goldman Sachs tháng 9/2009 vừa qua, ngay giữa lúc cơn suy thoái kinh tế toàn cầu đang ở mức nghiêm trọng nhất. Chưa biết ông sẽ thu lợi đến mức nào, nhưng theo Buffett, thương vụ này là một “mẩu xì-gà béo bở” bị vứt đi vì không có nhiều người dám bỏ ra 5 tỉ đô la để đầu tư vào đó.
Có lẽ chính vì vậy mà nhiều người nói rằng Warren Buffett làTỷ phú của Niềm tin. Ông tin người và người tin ông. Họ bảo nhau hãy đầu tư theo Warren Buffett. Các nhà lãnh đạo của Solomon trong cơn dầu sôi lửa bỏng bỗng trở lại bình tâm sau khi lời cầu cứu của họ gởi đến ông được chấp nhận; Khi thương lượng vụ mua lại Furniture Mart của Phu nhân Blumkin, Warren không hề yêu cầu kiểm toán vì đặt tất cả niềm tin của mình vào lời nói của bà (cũng như tin vào trực giác của ông). Niềm tin đó còn được thể hiện qua các cuộc tư vấn và những lời khuyên mà ông dành cho các vị lãnh đạo chủ chốt của Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ hay Ủy ban Chứng khoán Hoa Kỳ.
Trong khủng hoảng, người ta trông đợi phát biểu của ông để lấy lại niềm tin. Trong các đại hội cổ đông, người ta lắng nghe từng lời ông nói. Trong đổ vỡ, người ta tìm đến ông để xin những lời khuyên. Ngay như vụ đầu tư của Warren Buffett vào Goldman Sachs hồi tháng 9 năm 2009 vừa qua, các nhà phân tích chứng khoán đều thừa nhận rằng chỉ cần lòng tin của Warren Buffett đã là một tài sản quý giá cho tập đoàn này.Một diễn giả khôi hài, hóm hỉnh
Nếu trong đầu tư ông lạnh lùng và nghiêm ngặt tuân thủ các qui tắc gần như bất biến thì trong cuộc sống đời thường, ông là người có óc khôi hài đến mức thâm thúy. Hầu như mỗi cuộc hội nghị, họp mặt bạn bè hay mỗi lần thuyết giảng là ông lại cống hiến cho cử tọa ít nhất một mẩu chuyện vui.
Lần nọ, ông kể câu chuyện sau:
Có một nhà thăm dò dầu khí qua đời và được lên thiên đàng. Thánh Peter đón ông ấy ngay tại cổng và nói: “Này, ta phải cho con về thôi, dù con hội đủ tất cả các tiêu chuẩn vào đây. Lý do là chúng ta đang có một rắc rối lớn. Đất đai trên này cũng có qui hoạch phân lô đâu ra đó, và theo luật thì chúng ta phải cho tất cả những kẻ thăm dò dầu khí vào trong cái chuồng kia. Con thấy đấy, chỗ đó chật ních rồi, không còn chỗ cho con nữa!”
Nhà thăm dò dầu khí hỏi:
– Ngài có phiền nếu con nói ra bốn từ không ạ?
– Cứ nói, không hề gì! – Thánh Peter đáp.
Tức thì nhà thăm dò khum tay hô lớn:
– Đã tìm thấy dầu dưới địa ngục!
Ngay lập tức, cửa chuồng bung ra và cả đám chuyên gia thăm dò dầu khí đâm đầu lao thẳng xuống địa ngục.
– “Chiêu” đó quả là thú vị. Nào, mời anh vào và cứ tự nhiên như ở nhà nhé! – Thánh Peter nói.
Nhà thăm dò ngập ngừng trong giây lát rồi nói:
– Không, con nghĩ con phải chạy theo đám người đó thôi. Có lẽ cũng có chút sự thật nào đó chăng…
Hay như, ông từng nhận xét đầy hóm hỉnh về thứ kim loại vừa làm giàu mạnh vừa làm chao đảo cả thế giới này rằng: “Vàng được đào lên ở châu Phi, hoặc một nơi nào đó. Rồi người ta nấu chảy nó ra, xong họ đào một cái lỗ khác để chôn nó xuống và trả lương cho những người đứng gác xung quanh. Nó chẳng có giá trị sử dụng nào cả. Ai nhìn thấy cảnh này từ sao Hỏa có mà bể đầu ra cũng không thể hiểu nổi!”
Lần khác, khi được hỏi về vấn đề thừa kế tài sản, ông bảo: “Số tiền hoàn hảo nhất dành cho con cái là một khoản vừa đủ để chúng không phải làm gì, nhưng cũng không nhiều tới mức chúng không muốn làm gì cả!”
Nhà từ thiện vĩ đại
Warren Buffett là một nhà đầu tư tài giỏi. Vào năm 2008 ông nắm trong tay khối tài sản ròng trị giá 60 tỉ đô la, cao hơn cả GDP của Sudan (58 tỉ USD), Luxemburg (55 tỉ USD), Oman (52,5 tỉ USD) và khoảng hơn 100 nước khác, theo số liệu của IMF năm 2008. Song, ông vẫn là một “tỷ phú nghèo khó”. Mặc dù đã là một trong những người giàu có nhất hành tinh, ông vẫn sống trong một căn nhà đơn sơn suốt hàng chục năm qua. Ông đi chiếc xe hơi bình thường, ăn mặc không cầu kỳ, làm việc ở một văn phòng giản dị luôn treo tấm ảnh của người cha quá cố được ông nhất mực yêu kính – Howard Buffett. Thậm chí, nhiều người còn không thể tin rằng ông chỉ biết võ vẽ về máy vi tính và không mấy tin tưởng vào hoạt động của nó. Không ai có thể biết Buffett giàu có đến mức nào nếu chỉ nhìn vào cách sinh hoạt và chi tiêu hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng và hàng năm của ông. Câu hỏi đặt ra là, ông tiết kiệm để làm gì, ông làm giàu cho ai?
Ông làm giàu để làm từ thiện, và cách thức thể hiện lòng từ thiện ấy cũng rất khác lạ. Bởi vì, mục đích tối thượng của cuộc đời ông là để lại một di sản, không phải cho con cháu ông mà cho tất cả những con người cần đến đồng tiền của ông trên thế gian này. Cho nên, những đồng tiền đó phải tiếp tục sinh sôi nảy nở ngay cả sau khi ông chết đi. Vậy thì, khi ông còn có mặt trên cõi đời này, tại sao ông lại không làm cho khối tài sản đó phình to nhất? Để rồi, khi hiến tặng toàn bộ tài sản của mình cho Quỹ Melinda – Gates (sau khi chia thừa kế khoảng 15% cho các con), nó sẽ phát huy tác dụng lớn nhất. Một điều lạ hơn nữa là quan niệm “thi ân bất cầu báo” của ông. Sự thật là, cho đến giờ phút này, không có một công trình kiến trúc nào trong các bệnh viện hay trường đại học được ghi dấu tên ông, dù ông chính là người bảo trợ cho việc xây dựng chúng. Nếu có ai gọi ông là nhà từ thiện vĩ đại nhất của thế kỷ 21, thiết nghĩ mọi người cũng sẽ đồng tình.
Một Warren Buffett “trần trụi”
Warren Buffett thật khôn ngoan khi lựa chọn Alice Schroeder làm người chấp bút cho cuốn tự truyện đầu tiên và cũng là cuối cùng của mình (tính đến lúc này). Với tư duy sắc bén của một chuyên viên phân tích tài chính cao cấp của Phố Wall, Alice đã “lột trần” con người Warren Buffett cùng tất cả những vùng “tối, sáng” trong cuộc sống cá nhân phức tạp của ông. Ngòi bút của Alice đã làm ông “trần trụi” đến độ người ta đồn đoán rằng sau khi sách được phát hành, Warren đã quyết định hủy cả cuộc gặp mặt thường niên năm 2009 do Schroeder dẫn chương trình được tổ chức vài tháng sau đó! Rồi cũng chính ngòi bút đó đã khai phá tận cùng mọi ngóc ngách bên trong “cỗ máy in tiền số một” của Warren Buffett: Tập đoàn Berkshire Hathaway, cái “đế chế” có những cổ phiếu độc nhất vô nhị từng được giao dịch ở mức sáu con số và thường xuyên duy trì thị giá trong phạm vi năm con số.
Qua bàn tay và sự điêu luyện đến mức kinh ngạc trong việc sử dụng từ ngữ của Alice Schroeder, Hòn Tuyết Lăn không còn là một cuốn tự truyện thông thường mà nó đã trở thành một cuốn tiểu thuyết “hiện tượng” được chờ đợi, được săn đón bởi cả nhà xuất bản lẫn độc giả trên khắp thế giới.
Nhiều người đọc Hòn Tuyết Lăn để thỏa mãn sự tò mò về cuộc đời và tính cách của nhà tỷ phú lừng danh thế giới. Qua bức chân dung đa chiều được khắc họa bởi nữ “họa sĩ” tài ba Alice Schroeder với những gam màu sáng tối hết sức sống động về vị “Hiền nhân vùng Omaha”. Có lẽ bạn sẽ tự hỏi rằng: Warren Buffett là người phàm hay… thánh nhân? Warren Buffett đã thụ đắc được những “bí kíp” gì để có thể đầu tư thành công như thế? Warren Buffett có thất bại không và nếu có ông đã vượt qua nó như thế nào? Hay đơn giản là, ông ăn gì, mặc gì, ở đâu và yêu như thế nào?… Quyển sách này sẽ giúp bạn tìm ra hầu như tất cả các câu trả lời cho mọi câu hỏi của bạn về cuộc đời và sự nghiệp của Warren Buffett, nhà tỷ phú được yêu mến nhất thế giới, theo cách nói của Tạp chí Forbes.
Thông Tin Về Hòn Tuyết Lăn
Năm 2003, trong khi Alice Schroeder đang là một nhà phân tích tài chính thành đạt tại Wall Street và làm một giám đốc của Tập đoàn Morgan Stanley thì bất ngờ nhận được lời đề nghị của Warren Buffett về việc dành trọn thời gian viết một cuốn sách về ông, và bất ngờ hơn nữa là cô đã đồng ý.
Cô đã làm việc với ông trên dưới 2.000 giờ và phỏng vấn 250 người để cho ra đời Hòn tuyết lăn (The Snowball) vào ngày 29 tháng 9 năm 2008. Cuốn sách ngay lập tức chiếm hạng nhất trong danh sách các sách bán chạy nhất trên tờ New York Times và được các tờ báo và tạp chí như Wall Street Journal, Publishers Weekly, Time Magazine, People, Financial Times,BusinessWeek, USA Today, The Washington Post xếp và danh sách 10 cuốn sách bán chạy nhất năm 2008 cùng danh hiệu “Cuốn sách hay nhất của năm 2008”.
Trên Amazon.com, Hòn tuyết lăn nhanh chóng chiếm giữ vị trí số 1 thể loại sách đầu tư – kinh doanh, và được bình chọn là một trong năm cuốn sách về tiểu sử hay nhất của năm 2008. Tờ BusinessWeek đã bình chọn bà cùng hai người khác, Chủ tịch Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ Ben Bernanke và Cựu Đệ nhất Phu nhân Tổng thống Mỹ Hillary Clinton là “Ba tác giả đáng xem nhất của năm 2008”. Danh tiếng của Alice Schroeder, chuyên viên phân tích tài chính, bỗng nổi lên như một hiện tượng, một ngôi sao sáng trên văn đàn thế giới ngay sau khi tác phẩm đầu tay của bà xuất hiện trên các quầy sách và được đón nhận nồng nhiệt.
Tờ Publishers Weekly đã bình luận về Hòn tuyết lăn rằng:
Qua sự miêu tả thẳng thắn đến mức kinh ngạc về cuộc đời của Warren Buffett, Alice Schroeder, sau khi được Buffett tự tay chọn làm người chấp bút cho mình, đã lột trần tất cả những bí mật nằm bên dưới chiếc áo choàng của con người giàu có nhất thế giới để hé mở một cuộc đời và một gia tài được dựng lên từ một tầm nhìn sâu rộng và một quan niệm kinh doanh đầy cảm hứng trong một nội tâm vô cùng phức tạp. Dù mô tả đầy dẫy những nỗi thèm khát không thể tưởng tượng được của Warren Buffett – lợi nhuận, phụ nữ (đặc biệt nuôi dưỡng các mối quan hệ như tình mẹ con), chuyện ăn uống (Buffett dùng tiền làm công cụ kiểm soát số cân của từng thành viên trong gia đình mình),… – nhưng Schroeder luôn giữ được sự công tâm, không xét đoán và cũng không kính sợ trước một tượng đài lớn…”
New York Post thì nhận định Hòn tuyết lăn gần như là một “bảo bối” chứa đựng các bí quyết của nhà đầu tư thành công nhất nước Mỹ. Cuốn sách dành cho những ai đang tìm kiếm một thương vụ tái bảo hiểm trong cơn suy thoái hiện nay.
Tờ báo về tài chính của thế giới – Financial Times – có lời giải thích rất cụ thể và thực tế cho Hòn tuyết lăn: “Mọi người đều biết rằng trong một thị trường vốn có tính thanh khoản cực thấp trong những năm gần đây, việc có được suất lợi nhuận cao hơn mức trung bình của thị trường chứng khoán trong một thời gian ngắn là… bất khả thi! Nhưng Warren Buffett luôn làm được điều đó trong suốt 50 năm qua. The Snowball (Hòn tuyết lăn) sẽ cung cấp cho bạn các manh mối giải thích ông đã làm điều đó như thế nào”.
Tờ báo của phố Wall – Wall Street Journalcũng không tiếc lời khen cho Hòn tuyết lăn: “Mê hoặc và mang tính bách khoa toàn thư… trong đầu tư. Lực tổng hợp của câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của Warren Buffett đã đẩy “Quả cầu tuyết” lăn tới trước. Có quá nhiều điều để học hỏi từ cuốn sách này!”
Bài viết tham khảo: Quan điểm quản trị của Jack Ma: Hãy yêu đối thủ cạnh tranh