Gốc gác
Ít ai biết vị tỷ phú giàu nhất Mexico này thực ra lại không phải là người Mexico chính gốc. Ông có gốc từ châu Á. Cha ông, một di dân gốc Liban đã đến Thành phố Mexico và đầu tư bất động đầu những năm 1900.
Tài kinh doanh thiên bẩm
Slim có “máu” buôn bán từ nhỏ. Cậu nhớ rất giỏi giá cả của mọi thứ, mới đến tuổi đi học đã thích mặc cả, đổi chác và mua bán để kiếm tiền. Các thành viên của gia đình thường nhớ lại chuyện cậu đã bán lại cho các anh trai khi cái kẹo, khi thỏi socola mà cậu dành dụm chưa ăn. Rồi cậu mua bán lại đồ chơi, đồ dùng với đám bạn, bằng tuổi cậu cũng có mà lớn hơn cậu cũng không hiếm gì.
Năm 15 tuổi, khi vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường Carlos Slim đã có 5.523 peso. Carlos Slim Helu mua được 44 cổ phiếu của ngân hàng Banamex, ngân hàng lớn nhất của Mexico lúc đó. Năm 17 tuổi, khi vừa tốt nghiệp phổ thông, cậu đã có 31.900,26 peso. Cậu tự nhận mình có một cảm nhận rất đặc biệt với những con số và có thể nhớ chúng cực kì chính xác.
Trong một lần họp đại hội cổ đông, Carlos Slim Helu, khi ấy hãy còn là một anh chàng trẻ tuổi đang sở hữu một số lượng rất nhỏ cổ phần, đã làm mọi người ngẩn người vì thán phục khi nhắc lại vanh vách các số liệu quyết toán một cách chính xác đến tận con số… phần nghìn.
Công ty thương mại La Estrella del Oriente của cha con Carlos Slim kinh doanh tổng hợp từ A đến Z, từ sách báo, quần áo, xà phòng, mỹ phẩm, hay thuốc lá, rượu. Dần dà, cả một hệ thống cửa hàng thương mại đã hình thành. Ở tất cả các khu vực trung tâm mua bán sầm uất quan trọng nhất trong thành phố Mexico đều có các cửa hàng của Carlos Slim. Kế đó là sự ra đời và phát triển chóng mặt chuỗi nhà hàng Sanborns – hệ thống nhà hàng cao cấp lớn nhất Mexico và có mặt tại hầu hết thành phố lớn.
Tỷ phú Carlos Slim được coi là 1 người có tài kinh doanh thiên bẩm. Nguồn ảnh: Internet.
Ngày nào cũng phải bỏ tiền vào túi Slim
Người ta nói ở Mexico, bạn khó có thể sống qua một ngày mà không bỏ tiền vào túi Slim – thực sự không sai. Nhà tài phiệt 73 tuổi kiểm soát hơn 200 công ty, mà chính ông cũng nói là mình “không nhớ xuể”, trong các lĩnh vực viễn thông, thuốc lá, xây dựng, khai mỏ, sản xuất xe đạp, đồ uống, hàng không, khách sạn, đường sắt, ngân hàng và in ấn. Tính tổng cộng, các công ty của ông chiếm một phần ba tổng giá trị chỉ số các mã chứng khoán hàng đầu ở Mexico, tài sản của ông tương đương 7% sản lượng kinh tế nước này (ở đỉnh cao sự nghiệp, John D. Rockefeller “chỉ” có tài sản tương đương 2,5% GDP của Mỹ. Các tỉ phú Mỹ ngày nay thì không thể sánh được về tỉ phần so với sản lượng của nước họ, do GDP của Mỹ giờ đã quá lớn).
Một nhà hàng ở Mexico City muốn nổi tiếng thậm chí đã ghi hẳn vào thực đơn của họ câu đùa: “Nhà hàng này là nơi duy nhất ở Mexico không thuộc sở hữu Carlos Slim”. Tài sản của Slim tăng với tốc độ chóng mặt trong vài năm qua, từ 40 tỉ USD lên 60 tỉ USD từ 2003 tới 2005 và từ 60 tỉ USD lên 73 tỉ USD từ 2005 tới nay. Ông chính thức vượt qua Bill Gates vào tháng 3/2004, trở thành người giàu nhất thế giới đầu tiên đến từ một quốc gia đang phát triển trong danh sách của Forbes.
“Đó không phải là cuộc cạnh tranh”, Slim nói trong một cuộc phỏng vấn, với điều xì-gà Cuba quen thuộc trên miệng trong văn phòng ở tầng hai của ông treo đầy những bức tranh phong cảnh Mexico thế kỷ 19. Là người khiêm nhường và tiết kiệm, đeo cà-vạt do chính công ty mình sản xuất, nhà tài phiệt nói ông không cảm thấy mình giàu hơn vì những danh sách ầm ĩ.
Ông là một người đầy mâu thuẫn. Slim nói ông thích cạnh tranh trong kinh doanh, nhưng lại cố gắng duy trì thế độc quyền của mình. Ông thích nói về công nghệ và thành công nhờ công nghệ, nhưng bản thân lại không hề có máy tính và giống mẫu doanh nhân cổ điển, luôn thích dùng giấy bút hơn. Ông từng tiếp đón những nhân vật nổi tiếng nhất thế giới, từ tổng thống Mỹ Bill Clinton tới đại văn hào được giải Nobel Gabriel Garcia Marquez tại nhà riêng của ông ở Mexico City, nhưng bản thân Slim sống khá khép kín, ít đi lại và tự hào nói ông không có nhà cửa nào khác ở ngoài Mexico. Ở một đất nước hâm một bóng đá, ông lại là một cổ động viên bóng chày. Đội ông yêu nhất cũng là đội bóng chày giàu nhất thế giới, New York Yankees.
Nhìn thấy cơ hội sớm
Slim trước sau như một nói thành công của ông là nhờ nhìn thấy cơ hội từ sớm, điều mà ông học được nhờ đọc tác phẩm của nhà tương lai học nổi tiếng Alvin Toffler, tác giả cuốn sách bán chạy “Future Shock” (Cú sốc tương lai, đã dịch sang tiếng Việt) vào những năm 1970. Toffler gửi cho Slim một cuốn và ông gặp nhà tỉ phú lần đầu trong một chuyến đi Mexico năm 1993. Slim tiếp cận Toffler sau bài diễn thuyết, và họ trở thành bạn. “Nếu không biết ông ấy là người giàu nhất thế giới, bạn sẽ nghĩ đó chỉ là một người thông minh dễ mến”, Toffler nói.
Là con trai thứ năm trong một gia đình sáu người con, Slim sinh ra đã giàu có. Cha ông, Julian Slim, có một cửa hàng tạp hóa ở trung tâm Mexico City tên gọi “Ngôi sao phương Đông”. Ông qua đời khi Carlos Slim mới 13 tuổi. Ngay từ sớm, Carlos Slim đã có nhiều trải nghiệm có ích cho sự nghiệp kinh doanh sau này. Ông dạy đại số ở trường đại học lớn nhất ở Mexico và có bằng cử nhân với luận văn ứng dụng đại số cho kỹ thuật công trình. Cũng chính sự yêu thích các con số đưa ông tới đam mê bóng chày, một đam mê lâu bền tới tận ngày nay.
Sau khi tốt nghiệp đại học, ông cùng một số người bạn đi làm môi giới chứng khoán ở thị trường chứng khoán đang rất hứa hẹn của Mexico khi đó. Dù rất thành công, ông không ham tiệc tùng và tận hưởng thành công như bạn bè và đồng sự. “Ông ấy không thích tiền như chúng tôi. Ông ấy chỉ muốn làm một doanh nhân tốt”, Enrique Trigueros, một người bạn cũ, nhớ lại.
Slim có cơ hội trở thành một doanh nhân tốt sau khi xoay chuyển thành công một công ty đồ uống và một công ty in những năm 1960 và 1970. Ông có bước đi lớn đầu tiên năm 1981, mua lại một lượng lớn cổ phần của công ty thuốc lá lớn thứ hai Mexico, Cigatam, nhà sản xuất của thương hiệu Malboro ở Mexico. Nhưng 1982 mới là năm định mệnh. Năm đó, giá dầu rớt sâu đẩy Mexico vào suy thoái. Khi tổng thống sắp mãn nhiệm Jose Lopez Portillo quốc hữu hóa các ngân hàng, giới doanh nhân sợ đất nước sẽ được điều hành theo kiểu xã hội chủ nghĩa và bỏ chạy. Nhiều công ty được bán chỉ với 5% giá trị sổ sách. Slim chọn hàng chục công ty như thế và mua lại, động thái được tưởng thưởng khi nền kinh tế hồi phục những năm sau đó. Ông mùa công ty bảo hiểm lớn nhất Mexico, Seguros de Mexico, với giá 44 triệu USD. Ngày nay, công ty này được định giá ít nhất 2,5 tỉ USD.
Phần việc sau đó dễ dàng hơn, nhưng vẫn cho thấy nhãn quan của một doanh nhân phi thường. Giai đoạn 2002-2004, ông tập hợp được 13% cổ phần của hãng vận tải hàng không tuyên bố phá sản MCI mà sau này Slim bán lại cho Verizon Communications Corp. với giá 1,3 tỉ USD. “Ông ấy không bao giờ mua quá giá bất cứ thứ gì”, Hector Aguilar Camin, một sử gia và bạn của Slim, bình luận. Khi Camin và Slim đi nghỉ ở Venice, người giàu nhất hành tinh từng mặc cả nhiều giờ liền với một chủ cửa hàng để được giảm 10 USD cho một chiếc cà-vạt.
Ông đã từng bị nhiều chỉ trích vì sự độc quyền trong kinh doanh, nhưng ông chia sẻ rằng: “Khi anh sống theo quan điểm của người khác, coi như anh đã chết. Tôi không sống chỉ để quan tâm xem người khác nghĩ gì về mình”.
Sống giản dị
Ông là một người có lối sống khá giản dị. Carlos Slim luôn luôn tự lái xe hoặc sử dụng các loại phương tiện công cộng trong thành phố, thỉnh thoảng ông vẫn xuất hiện trước đám đông với chiếc đồng hồ đeo tay bằng nhựa rẻ tiền. Bên cạnh đó, ngôi nhà tại thành phố Mexico của ông chỉ bao gồm vài phòng ngủ, nội thất đơn giản, một hồ bơi nhỏ…
Đóng góp cho xã hội
Đó không chỉ là số tiền thuế rất lớn nộp ngân sách cũng như hàng chục nghìn việc làm tại một đất nước có tỉ lệ thất nghiệp khá cao này, Carlos Slim Helu còn thành lập ra khá nhiều các quỹ tài trợ và quỹ từ thiện.
Trong năm 2003, hai quỹ học bổng của ông đã cấp 20.000 suất cho sinh viên. Quỹ hỗ trợ trẻ em mang tên ông đã giúp trên 5.000 trẻ em phạm pháp có cơ hội trở lại cuộc sống bình thường. Hơn 11.000 ca mổ cho trẻ em đã nhận được sự hỗ trợ kinh phí từ quỹ từ thiện của ông. Ông cũng chi 50 triệu USD để tu sửa lại 34 tòa nhà cổ tại trung tâm tài chính cũ của Thành phố México, nơi được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới.
Ông còn là người có rất nhiều đóng góp cho xã hội. Nguồn ảnh: Internert.