Leslie Wexner: Ông chủ đứng sau thương hiệu tỷ USD Victoria Secret

Worklink

Ông mua Victoria’s Secret khi không biết gì về đồ lót và chưa biết sẽ làm gì sau khi sở hữu công ty, Tạp chí Forbes kể lại.


Nói đến Victoria’s Secret, hẳn nhiều người vẫn nhớ về số phận bi thương của cha đẻ thương hiệu đồ lót phụ nữ cao cấp này.

Roy Raymond đã nảy ra ý tưởng trong một lần ngượng ngùng vào cửa hàng đồ lót mua quà cho vợ. Anh tự hỏi tại sao không mở những cửa hiệu bán mặt hàng tương tự, nhưng dành cho khách hàng nam giới để họ không lâm vào tình cảnh khó xử như anh nữa. Nhưng Victoria’s Secret chỉ thực sự có được hào quang khi được Leslie Wexner mua về từ tay Roy Raymond. Thời điểm Roy Raymond – bế tắc trong kinh doanh và gia đình – gieo mình từ Cầu Cổng Vàng để kết liễu cuộc đời, cũng là lúc Victoria’s Secret được Wexner đưa lên đỉnh hoàng kim.

Góp mặt trong danh sách 400 tỷ phú giàu nhất nước Mỹ vừa được Tạp chí Forbes công bố gần đây, nhưng Leslie Wexner lại có lối sống khép kín và lánh xa truyền thông. Ông hầu như không bao giờ nhận phỏng vấn báo chí, đến nỗi nhiều người khi được hỏi còn nhầm tưởng lãnh đạo thương hiệu Victoria’s Secret là một phụ nữ. Nhưng để có được những gì trong tay ngày hôm nay, đối với Wexner chưa bao giờ là dễ dàng. Mở cửa hàng đầu tiên vào năm 26 tuổi, đêm nào ông cũng gặp ác mộng. Bước qua lằn ranh tuổi 30, ông là một triệu phú bí bách đi tìm mục đích của cuộc đời khi gia tài đã có hàng dài những số 0.

Leslie Wexner kiếm tiền thì dễ, nhưng đến năm 50 tuổi, ông vẫn chưa biết mình thích gì. Khi ấy, ông có trong tay hơn 10 công ty, 5 trong số đó thu doanh số hơn 1 tỷ USD mỗi năm. Sau cùng, ông quyết định mình đã làm sai mọi thứ, bán đi một loạt những công ty đình đám như The Limited, Limited Too, Abercrombie & Fitch, Express, Lane Bryant và Lerner New York từ năm 1998 – 2007, và giữ lại Victoria’s Secret – đứa con tinh thần ông đặt nhiều hy vọng. Đến nay, Wexner nắm trong tay 3 thương hiệu đồ lót, chiếm 41% thị phần của thị trường 13,2 tỷ khách tại Mỹ là Victoria’s Secret, Pink và La Senza. Đối thủ theo sát nút thứ tư chỉ sở hữu 1% thị phần.

Vì câu nói khích của cha


Wexner luôn tự hỏi không hiểu điều gì đã đẩy ông vào lĩnh vực bán lẻ. Sau khi nhận bằng tốt nghiệp cấp 3 năm 1959, ông bỏ dở khóa học tại trường luật và quay về nhà giúp bố mẹ điều hành cửa hiệu quần áo có tên Leslie’s – được đặt theo tên ông. Cửa hiệu khá đắt khách, nhưng hầu như không bao giờ có lãi.

tuyen-dung-worklink

Wexner nắm trong tay 3 thương hiệu đồ lót, chiếm 41% thị phần của thị trường 13,2 tỷ khách tại Mỹ

Một lần khi cha đi du lịch, ông thử đi tìm câu trả lời cho bài toán trên. Ông tìm thấy một chồng hóa đơn của cửa hàng, lấy giấy bút và ngồi tính toán chi phí, lợi nhuận của mỗi mặt hàng bày bán. Những con số dẫn đến một kết luận dễ hiểu. Mặc dù những mặt hàng đắt đỏ như váy, áo khoác mang lại lợi nhuận cận biên cao trên giấy tờ, nhưng thực tế bán chúng không hề lãi vì tốc độ tiêu thụ siêu chậm. Tất cả lợi nhuận của cửa hàng đến từ những trang phục bình dân như áo phông và quần đùi.

Khi cha về đến nhà, ông đã thuyết phục bố bỏ bớt áo khoác và váy các loại, thay chúng bằng quần đùi và áo phông. Bố ông bỏ ngoài tai và khuyên cậu con trai không bằng cấp hãy tìm việc gì để làm cho đỡ nhàn rỗi quá. Nghe lời bố, Wexner đã mở một cửa hàng cạnh tranh với cha từ khoản tiền 5.000USD người cô cho vay. Trong cửa hàng, ông chỉ bày bán một số lượng ít chủng loại quần áo, chủ yếu là áo phông và quần đùi, và đặt tên cửa hàng là “The Limited”. Tin tưởng vào trực giác đến nỗi trước khi mở The Limited, Wexner đã ký luôn hợp đồng thuê cửa hàng thứ hai. Vì vậy trước khi bán được chiếc áo đầu tiên, ông đã nợ chủ đất 1 triệu USD. Từ đó, đêm nào ông cũng gặp ác mộng, còn ban ngày thì đau bụng liên miên. Khi đi chụp X-quang, các bác sỹ sửng sốt vì ông còn quá trẻ để bị loét dạ dày, nhưng phim chụp cho thấy chính những cơn stress đã xuyên thủng dạ dày ông.

Năm đầu tiên mở cửa hàng, ông đã kiếm được 20.000USD tiền lãi, nhiều gấp đôi cửa hàng của bố vào thời kỳ đắt hàng nhất. Bí quyết là The Limited chỉ bán một số hạn chế các sản phẩm, một ý tưởng mang tính đột phá thời bấy giờ. Tò mò muốn biết ý tưởng của mình thành công đến đâu, Wexner mua một tấm bản đồ và một chiếc la bàn. Ông vẽ vòng tròn tại tất cả những nơi có thể từ đi Columbus bằng xe buýt đến trong ngày.

Những năm 1950, khi máy bay thương mại được đưa vào sử dụng tại Mỹ, những vòng tròn của ông ngày càng lớn hơn. Wexner quyết định ông có thể xây dựng một chuỗi cửa hàng trên toàn quốc. Đến năm 1973, Wexner đã hiện thực hóa ý định này, với 41 cửa hàng bán 26 triệu USD quần, váy và áo sơ mi. Nhận thấy những cửa hiệu số lượng ít mặt hàng có sức hấp dẫn với phụ nữ, ông bắt tay vào xây dựng những công ty mới dập khuôn từ The Limited. Express được ông trình làng năm 1980, nhắm vào các thiếu nữ trẻ thích trang phục trẻ trung, rực rỡ.

Mối lương duyên kỳ lạ với Victoria’s Secret


Trong một chuyến đi thương mại đến San Francisco vào năm 1982, tình cờ Leslie Wexner bắt gặp chuỗi cửa hiệu đồ lót nhỏ có tên Victoria’s Secret của Roy Raymond. “Lúc đó Victoria’s Secret chỉ là một cửa hiệu nhỏ, không có các mẫu đồ lót nhục dục nhưng lại có nhiều món đồ rất gợi cảm, thậm chí tôi chưa từng nhìn thấy trên đất Mỹ”, ông kể lại.

Tuy nhiên, ông không tìm hiểu gì được nhiều vì người chủ mỗi khi ông tiếp cận thì Roy Raymond lại từ chối vì bận việc. Đến năm 1982, Roy lại là người gọi điện cho Wexner để đặt lịch gặp mặt. Lúc ấy, Roy đang trên bờ vực phá sản và hy vọng Wexner đồng ý mua lại chuỗi 6 cửa hiệu trước khi bị cảnh sát tịch thu. “Chiều đó, tôi bay ngay tới gặp anh ấy và mua luôn cửa hàng, mặc dù chẳng biết gì về nó cả”, Wexner kể lại.

Các chuyên gia tư vấn tài chính của ông đã cảnh báo cái giá 1 triệu USD là quá đắt. Wexner nhớ lại rằng ông chỉ mua Victoria’s Secret vì trực giác mách bảo, khi ấy ông không biết gì về đồ lót, cũng chưa hề có kế hoạch gì dành cho Victoria’s Secret sau khi thâu tóm. “Nhưng tôi thấy được tiềm năng trong nó”, ông khẳng định. Sau đó, Wexner cho phép Roy tiếp tục điều hành Victoria’s Secret dưới ô của The Limited thêm một thời gian và tiếp tục thua lỗ nhiều triệu USD.

Cuối cùng, khi nhóm tư vấn tài chính bức xúc và nghiên cứu kỹ càng các hồ sơ tài chính, họ phát hiện Roy kiếm được tiền trước vụ sáp nhập chỉ nhờ một công ty con bán đồ chơi tình dục theo đơn đặt hàng. Wexner ngay lập tức sa thải Roy và chuyển trụ sở công ty về Columbus. (Đây là mốc đánh dấu thời kỳ đen tối trong cuộc đời Roy Raymond, công ty ông này thành lập sau đó phá sản vào năm 1986, ông bị vợ bỏ năm 1993, và nhảy sông tự vẫn từ Cầu Cổng Vàng tại California vào cuối năm). Wexner bắt tay vào tái cấu trúc Victoria’s Secret. Những gì Roy để lại là một mớ bòng bong về tài chính, chính vợ Roy cũng phải thừa nhận chồng cũ của bà tiêu xài vô tội vạ và không có kế hoạch rõ ràng. Trong giấc mơ hoang đường nhất, Wexner cũng không nghĩ rằng Victoria’s Secret sẽ là chuỗi bán đồ lót phụ nữ chuyên nghiệp đầu tiên tại Mỹ. Ông chỉ đơn giản theo đuổi sự tò mò của bản thân, thử nghiệm các ý tưởng trong một vài năm và tư duy theo hương pháp mới.

Với những cửa hàng thiết kế và trang bị nội thất kiểu cổ như nhà ở, Raymond đã xua tan được sự ngần ngại và ngượng ngập của cánh nam giới khi đến mua đồ lót cho phụ nữ. Wexner đưa Victoria’s Secret đến cả các trung tâm mua sắm và mở rộng bán hàng theo catalog. Nhưng đặc sắc nhất phải kể đến những sự kiện giới thiệu sản phẩm của Victoria’s Secret, tiền đề của show quảng cáo “Những thiên thần của Victoria’s Secret”. Năm 1995, Wexner tổ chức show thời trang đầu tiên với những người mẫu mặc đồ lót khoe da thịt nóng bỏng mắt, tiền thân của đội ngũ “Những thiên thần của Victoria’s Secret” rực lửa sau này. Lần đầu tiên trong lịch sử, thay vì một công ty trả tiền cho nhà đài để phát quảng cáo, kênh truyền hình đã trả cho Victoria’s Secret 1 triệu USD/năm để đổi lại quyền phát sóng show truyền hình kéo dài 1 tiếng đồng hồ trên.

viec-lam-tim-viec-lam-tai-worklink

Show trình diễn Victoria’s Secret 2013


Wexner đã biến những cửa hiệu đồ lót phụ nữ của Raymond thành thế giới thời trang riêng và nhờ đó, đẩy tên tuổi chuỗi cửa hàng lên thành một biểu tượng. Giới người mẫu thì khao khát được sải bước trên sàn diễn của Victoria’s Secret, còn phụ nữ bình thường thì ước mơ sở hữu những bộ đồ lót thương hiệu Victoria’s Secret trong tủ quần áo của mình. Màn trình diễn mãn nhãn hàng năm của Victoria’s Secret thu hút đông đảo người xem hơn tất thảy các show thời trang khác gộp lại, tác động của nó lan tràn trên mạng xã hội, nơi các người mẫu được hàng triệu lượt tài khoản theo dõi. Riêng dàn người mẫu của Victoria’s Secret có tổng cộng 33 triệu lượt theo dõi trên Twitter, còn nhiều hơn số người theo dõi chính tài khoản của Twitter.

Đi tìm đam mê ở dốc bên kia cuộc đời


51 năm kể từ khi Wexner thành lập công ty, rất nhiều thứ đã thay đổi, nhất là Wexner. Hồi khởi nghiệp, ông làm việc 90 tiếng một tuần, không còn thời gian làm việc gì khác. Khi được hỏi về ban nhạc ông ưa thích vào thập niên 60, Wexner chỉ lắc đầu trả lời: “Tôi không nhớ gì nhiều về phim ảnh hay ca nhạc. Năm 30 tuổi, sự nghiệp của tôi được mọi người cho là thành công rực rỡ. Nhưng tôi càng thành công trong kinh doanh, gia sản càng chất chồng, thì tôi càng cảm thấy bất lực”, ông thú nhận.

“Tôi muốn tạo ra một đế chế của riêng mình, muốn bứt lên thân phận nhân viên bán hàng, muốn thoát khỏi công việc cha mẹ từng nai lưng theo đuổi. Nhưng tôi không thích lĩnh vực bán lẻ, chưa bao giờ thích”, ông kể lại. Công ty càng lớn mạnh, mọi người càng tán dương ông là một lãnh đạo lỗi lạc. Nhưng Wexner thì không hiểu tại sao. Ông thấy bản thân không giống một nhà lãnh đạo điển hình, ông không cao, không sởi lởi, không học vấn uyên thâm, thậm chí ông còn không hiểu định nghĩa thế nào là một nhà lãnh đạo. Vì vậy ông bắt đầu tìm tòi. Sau khi rời công sở, ông lại nghiền ngẫm tiểu sử của những biểu tượng đất Mỹ như George Washington, Thomas Jefferson và John D. Rockefeller.

Ông rút ra rằng những lãnh đạo kiệt xuất nhất là những người có tầm nhìn, thấu hiểu xã hội, và nhất là không làm việc 90 tiếng một tuần như ông. “Nếu cuộc sống của bạn chỉ có công việc, thì bạn không hề có cuộc sống”, ông nói. Vậy nên ông bắt đầu tìm kiếm thú vui, những thú vui xứng tầm với ví tiền của một tỷ phú. Với ước muốn khám phá thế giới, ông mua một chiếc du thuyền trị giá 200 triệu USD để có thể đi đến nơi nào tùy thích, và đặt tên nó là Limitless. Ông thường đến các bảo tàng nghệ thuật, “nhặt” về một vài tác phẩm của các nghệ sỹ ưa thích như Degas, De Kooning hay Picasso, và bắt đầu xây dựng một trong những bộ sưu tập nghệ thuật lớn nhất trên thế giới. Ông đặc biệt tích trữ nhiều tranh của Picasso, mua nhiều nhất có thể, bộ sưu tập tranh Picasso của ông được ước tính đã cán mốc 1 tỷ USD.

Ngoài ra ông cũng thích sưu tập xe hơi, đặc biệt là các mẫu Mercedes, Jaguars và Ferraris, sở hữu một bộ hơn 100 chiếc xe các loại. Khi được hỏi về kế hoạch nghỉ hưu, ông chỉ mỉm cười. Vợ ông lần đầu tiên đặt câu hỏi này 10 năm về trước, sau đó các nhà đầu tư thường xuyên hỏi ông về việc này. Nhưng lần nào cũng vậy, ông không đưa ra câu trả lời cụ thể, thay vào đó, ông chỉ ngâm một bài thơ có tên “Tuổi trẻ”, được thi sĩ có tên Samuel Ullman viết đầu thế kỷ 20. “Tuổi trẻ không phải là một giai đoạn trong cuộc đời, nó là một nếp nghĩ. Thời gian có thể làm hằn sâu nếp nhăn trên khuôn mặt, nhưng trái tim của bạn chỉ già nua khi nhiệt huyết vơi dần”.

Bài viết tham khảo: Cuộc đời kỳ lạ và phi thường của thiên tài John Nash

Để lại một bình luận