Nông nghiệp Việt Nam “khát” nhân lực

Worklink

Theo giáo sư Võ Tòng Xuân, trong tâm trí rất nhiều người Việt, nghề nông không được xem là nghề đem lại sự giàu có cho gia đình dù ai cũng nhận thấy Việt Nam là một nước nông nghiệp và nền kinh tế trong nhiều năm nữa vẫn phải đứng trên “đôi chân nông nghiệp”.

Giáo sư Võ Tòng Xuân kể câu chuyện thường xảy ra mỗi khi ông nói chuyện với gia đình các sinh viên về định hướng nghề nghiệp cho sinh viên mới tốt nghiệp. Rằng khi ông khen: “Cháu học khá lắm, có kiến thức vững chắc về nông nghiệp, về giúp gia đình cải tiến sản xuất chắc sẽ đạt lợi tức cao hơn”, thì các bậc cha mẹ lại thường nói: “Thôi, thầy xem có việc gì giới thiệu cho cháu làm, tôi không muốn cháu về nhà làm nông đâu”.


Theo giáo sư Võ Tòng Xuân, trong tâm trí rất nhiều người Việt, nghề nông không được xem là nghề đem lại sự giàu có cho gia đình dù ai cũng nhận thấy Việt Nam là một nước nông nghiệp và nền kinh tế trong nhiều năm nữa vẫn phải đứng trên “đôi chân nông nghiệp”.

Đó cũng là một trong số những lý do chính khiến nhiều học sinh lớp 12 không mặn mà chọn các ngành học liên quan đến nông nghiệp sau tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) mà thường chạy đua vào các ngành đang “nóng” để rồi phải thất nghiệp khi ra trường.

Trong khi đó, theo thạc sĩ Đặng Kiên Cường, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và quan hệ doanh nghiệp, Đại học Nông Lâm TP.HCM, sinh viên trường này có chỗ làm trước khi nhận bằng tốt nghiệp.

tuyen-dung-viec-lam-tim-viec-lam-worklink

Từ chuyện của ngành chăn nuôi – thú y

Tại một hội thảo về nhân sự mới đây, bà Nguyễn Tâm Thanh, Giám đốc nhân sự Công ty Cargill, cho biết số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi hiện đã lên đến con số 200, tăng gấp đôi so với cách đây 12 năm. Riêng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã có hơn 20 công ty, tăng gấp 4 lần so với cách đây tám năm.

Những con số này cho thấy lĩnh vực thức ăn chăn nuôi đang có sức hấp dẫn lớn. Chẳng phải ngẫu nhiên mà một tập đoàn sản xuất thép như Hòa Phát cũng vừa tuyên bố nhảy vào lĩnh vực này và đặt mục tiêu doanh thu 3.000 tỉ đồng trong vòng ba năm tới.

Sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp trên thị trường dẫn đến nhu cầu về nguồn nhân lực.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy chưa tính đến chất lượng, chỉ xét về số lượng sinh viên theo học ngành chăn nuôi – thú y mà trường đại học đào tạo đã thấy không đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp.

Bà Võ Thanh Phương Mai, phụ trách việc tuyển dụng ở Cargill, cho biết tại miền Nam, Cargill không có nhiều sự lựa chọn ngoài hai trường Đại học Nông Lâm và Đại học Cần Thơ.

“Nhân lực ít, doanh nghiệp nhiều dẫn đến cạnh tranh tuyển dụng khá gay gắt. Chúng tôi phải luôn theo sát lịch của từng đợt tốt nghiệp để sắp xếp thời gian đến trường phỏng vấn. Trong quá trình làm việc, tôi nhận thấy những sinh viên năng động và đã có kinh nghiệm cọ xát thực tế đều có ít nhất 2 công ty mời làm việc và hơn 80% sinh viên có chỗ làm trước khi tốt nghiệp”, bà Mai chia sẻ.

Chuyện cũng tương tự với Công ty CP Thức ăn chăn nuôi Việt Nam (CPVN). Mỗi năm, CPVN đều có chính sách tuyển dụng 300 sinh viên từ khoa chăn nuôi – thú y nhưng số lượng tuyển được thường chỉ đạt mức 50%.

Những “ông lớn” như Cargill và CP mà còn gặp khó khăn trong tuyển dụng thì những doanh nghiệp nhỏ chắc hẳn còn gặp khó khăn hơn.

Giải quyết bài toán này có khó không? Câu trả lời là rất khó. Theo Tiến sĩ Lê Quang Thông, Phó khoa Chăn nuôi – Thú y, Đại học Nông Lâm TPHCM, khoa này cung cấp cho thị trường khoảng 500 cử nhân mỗi năm.

Giả sử số sinh viên đầu vào tăng lên con số 1.000 thì để đáp ứng điều này, nhà trường phải mở rộng cơ sở vật chất. Nếu thuận lợi về mặt kinh phí cũng phải mất hơn một năm để xây dựng, nhưng không phải lúc nào kinh phí cũng sẵn có.

Và khi số sinh viên tăng lên thì số giảng viên đứng lớp cũng phải tăng, và họ ít nhất phải có bằng thạc sĩ. Câu hỏi là nguồn giảng viên này ở đâu ra?

Trong môi trường giáo dục đặc thù của nước ta, nguồn này thường chỉ đến từ những sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc được nhà trường giữ lại. Và không có mấy sinh viên xuất sắc chấp nhận ở lại trường khi phía trước họ là những lời mời làm việc rất hấp dẫn.

Vấn đề chưa dừng lại ở đó. “Để đào tạo được một thạc sĩ, chúng tôi thường phải mất khoảng thời gian năm năm: một năm để các bạn đi thực tế tại doanh nghiệp, hai năm tham gia hoạt động nghiên cứu, trợ giảng tại trường và hai năm hoàn thành khóa học thạc sĩ”, ông Thông chia sẻ.

Đến câu chuyện chung của thị trường

Một câu hỏi lớn là làm sao để học sinh lớp 12 chọn theo học các ngành thuộc lĩnh vực nông nghiệp, hay nói rộng ra là các ngành mà xã hội đang thiếu nguồn lực? Câu trả lời nằm ở hai chữ “hướng nghiệp”.

Việc hướng nghiệp cho học sinh trung học phải bắt đầu từ các bậc phụ huynh và thầy cô giảng dạy trong trường phổ thông. Tuy nhiên, không có nhiều phụ huynh có đủ thời gian, đủ kiến thức cho việc này và họ dồn hết sự tin cậy của mình vào nhà trường.

Trong khi đó, theo GS. Võ Tòng Xuân, hoạt động hướng nghiệp ở trường THPT chưa thật tốt, bởi muốn các em theo một nghề, người hướng nghiệp phải hiểu rất rõ về nghề đó, mà các thầy cô vốn đã quá bận rộn với áp lực dạy học thì làm sao có thời gian để tìm hiểu kỹ về các ngành nghề để mà hướng nghiệp.

Không thể phủ nhận tính tích cực của hoạt động tư vấn tuyển sinh trong những năm gần đây nhưng chỉ tư vấn để tuyển sinh là không đủ. Nhìn vào danh sách những người tham dự các đoàn tư vấn, dễ thấy đó là đại diện đến từ các trường cao đẳng và đại học. Ngoài trách nhiệm xã hội là tư vấn cho học sinh, họ còn có trách nhiệm tuyển sinh nữa.

Và dù họ có công tâm, có hiểu thị trường lao động đến đâu thì cũng không phản ánh được đầy đủ bức tranh của thị trường. Họ có thể giúp học sinh biết học ngành X thì ra làm các công việc a, b, c…, nhưng để trả lời cụ thể công việc a, b, c là như thế nào, mức lương, cơ hội thăng tiến ra sao, phù hợp với người có cá tính như thế nào… chỉ có đại diện doanh nghiệp mới có thể trả lời một cách đầy đủ nhất.

Hiện nhiều doanh nghiệp mới chỉ quan tâm đến phần ngọn, tức mỗi mùa tốt nghiệp của sinh viên, họ đến các trường đào tạo các ngành liên quan đến lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp mình để tuyển dụng, chứ chưa quan tâm làm sao để thu hút học sinh lựa chọn ngành mình cần tuyển để theo học.

Để giải quyết chênh lệch cung cầu trên thị trường lao động, doanh nghiệp không thể đứng ngoài hoạt động hướng nghiệp cho học sinh. Thiết nghĩ với vai trò là thành phần năng động nhất trong xã hội, các doanh nghiệp nên dành thời gian thể hiện trách nhiệm xã hội của mình trong hoạt động hướng nghiệp.

Bài viết tham khảo: Sa thải trái pháp luật: Bế tắc trong hướng giải quyết

Để lại một bình luận