Quốc hội yêu cầu tăng gấp rưỡi thu nhập của người Việt Nam sau 5 năm

Worklink

Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua đặt mục tiêu tăng thu nhập đầu người lên 3.200-3.500 USD vào năm 2020, tốc độ tăng GDP bình quân 5 năm tới là 6,5-7%.

20160414131538 66018

Ảnh minh họa


Với đa số phiếu tán thành, sáng 12/4, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội cho 5 năm tới. Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm tăng 6,5-7%. GDP đầu người năm 2020 khoảng 3.200-3.500 USD (năm 2015 là 2.109 USD), tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP năm 2020 khoảng 85%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 32-34% GDP mỗi năm..


Để đạt được các chỉ tiêu này, Nghị quyết đưa ra các giải pháp cụ thể. Đầu tiên là tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại, hội nhập quốc tế. Cơ quan điều hành cũng cần đánh giá và xây dựng lộ trình tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch trong từng lĩnh vực, ngành nghề.


Nghị quyết yêu cầu phối hợp hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, tài khoá và các chính sách khác để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế. Chính sách tiền tệ cần được thực hiện linh hoạt, bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam, phấn đấu kiểm soát lạm phát dưới 4% các năm đầu kỳ và 3% vào năm 2020. Lãi suất sẽ được điều hành linh hoạt theo diễn biến lạm phát, tỷ giá theo tín hiệu thị trường và tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước.


Nghị quyết cũng yêu cầu cơ cấu lại thu-chi, qua đó tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, kiểm soát chặt chẽ, cơ cấu lại, sử dụng hiệu quả nợ công và bảo đảm các giới hạn nợ công, nợ Chính phủ, nợ quốc gia theo Nghị quyết của Quốc hội. Vốn vay cần được tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả, giảm dần vay bảo lãnh Chính phủ, vay để cho vay lại…


Đối với đầu tư công, Nghị quyết yêu cầu chuyển phương thức quản lý theo kế hoạch hằng năm sang trung hạn (5 năm), nâng cao hiệu quả đầu tư. Nguồn vốn ngân sách sẽ tập trung đầu tư vào các lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác không tham gia. Trong bối cảnh hội nhập, Quốc hội yêu cầu có biện pháp phòng vệ thích hợp để bảo vệ sản xuất trong nước và quyền, lợi ích của người tiêu dùng. Cùng với đó, cần thực hiện đầy đủ theo cơ chế thị trường đối với giá cả hàng hóa và từng bước hợp lý đối với dịch vụ công.


Vấn đề lớn thứ hai được nêu trong Nghị quyết là tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh.


Theo đó, Quốc hội yêu cầu tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, đạt chỉ số nhóm 4 nước đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước phải được thực hiện có hiệu quả, thực chất, đúng mục tiêu. Nhà điều hành cần nghiên cứu, hình thành cơ quan quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp phù hợp tình hình mới.


Nghị quyết cũng đặt vấn đề tạo mọi điều kiện thuận lợi phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân, hoàn thiện pháp luật, chính sách để khu vực này tiếp cận bình đẳng các nguồn lực, nhất là về vốn, đất đai, tài nguyên. Tinh thần khởi nghiệp cũng cần được đẩy mạnh, gắn với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, thúc đẩy xã hội hoá sở hữu và sản xuất kinh doanh, khuyến khích phát triển các hình thức doanh nghiệp cổ phần. Cơ quan quản lý sẽ trợ giúp để phát triển mạnh doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh tế hộ gia đình, kinh tế hợp tác.

20160414131922 50600

Tăng trưởng kinh tế và thu nhập đầu người tại Việt Nam 10 năm qua

Thị trường tài chính được yêu cầu tiếp tục tái cơ cấu, bảo đảm hợp lý giữa thị trường tiền tệ, thị trường vốn và thị trường bảo hiểm. Trong số này, Nghị quyết nhấn mạnh tới việc tiếp tục tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, gắn với xử lý giảm nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống và áp dụng quản trị ngân hàng theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế.


Một vấn đề khác được đặt ra là tập trung cho các vùng kinh tế trọng điểm, lựa chọn một số khu vực có lợi thế đặc biệt để xây dựng đặc khu kinh tế với thể chế vượt trội, hiệu lực, hiệu quả, có sức lan tỏa lớn đến chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, cơ cấu lao động và cả nền kinh tế. Song song đó là từng bước hình thành hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường, nhất là các đô thị lớn; khuyến khích phát triển nhà ở cho người có thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp.


Đối với nông nghiệp

Nghị quyết yêu cầu tập trung tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới gắn với nâng cao đời sống nông dân. Khả năng cạnh tranh sản phẩm, hàng hóa nông nghiệp cần được cải thiện rõ rệt, có chính sách phù hợp để tích tụ, tập trung ruộng đất, phát triển các vùng sản xuất quy mô lớn với hình thức đa dạng, phù hợp với điều kiện của từng vùng…


Trong 5 năm tới, Quốc hội yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại.


Cụ thể, Nghị quyết giao nhiệm vụ tiếp tục triển khai xây dựng hệ thống các tuyến đường bộ, đường cao tốc, đường sắt Bắc – Nam và nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có, đường thủy nội địa và ven biển, tiếp tục ưu tiên vốn đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông tại các vùng khó khăn. Tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP HCM cũng được yêu cầu xử lý, đi kèm với việc rà soát, bố trí hợp lý các trạm thu phí giao thông đường bộ để giảm gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp. Quốc hội cũng yêu cầu bảo đảm khởi công và hoàn thành giai đoạn I dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai) đúng lịch trình đã được thông qua.


Cuối cùng, Nghị quyết một lần nữa đặt ra yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ. Theo đó, cần tiếp tục đổi mới khung chương trình, giảm tải các bậc học phổ thông; phát huy tư duy tự chủ, sáng tạo, năng lực tự nghiên cứu ở bậc đại học. Ngành giáo dục cũng được yêu cầu đổi mới nội dung, hình thức kiểm tra, thi và đánh giá kết quả giáo dục và đào tạo. Trong 5 năm tới, tiềm lực khoa học, công nghệ cũng cần được tăng cường, xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, phát huy năng lực sáng tạo của mọi cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức…

Để lại một bình luận