Thomas Edison với những sáng chế làm thay đổi thế giới

Worklink

“Tôi không thất bại. Tôi chỉ là đã tìm ra 10.000 cách không hoạt động” là cách mà nhà sáng chế vĩ đại Thomas Edison nói về hàng ngàn lần thử nghiệm thất bại để tìm ra đúng vật liệu làm sợi dây tóc trong bóng đèn. Nhưng tạo ra bóng đèn điện chỉ là một trong khoảng 1.093 bằng sáng chế tại Hoa Kì đứng tên ông, cũng như các bằng sáng chế ở Anh, Pháp và Đức.


Thomas-Edison

“Tôi không thất bại. Tôi chỉ là đã tìm ra 10.000 cách không hoạt động”

Nhà sáng chế chỉ học ở trường… 3 tháng

Thomas Alva Edison sinh ngày 11 tháng 2 năm 1847 tại Milan – một thị trấn nhỏ bên dòng sông Huron thuộc tiểu bang Ohio, Mỹ. Khi còn nhỏ Al (tên gọi tắt của Thomas Edison) có cái đầu to khác thường và tính hiếu kỳ đối với tất cả những sự việc xảy ra xung quanh.

Cậu bé Al chỉ theo học ngôi trường độc nhất trong thị trấn… đúng ba tháng. Thầy giáo của Al đã chỉ vào cậu và nói rằng: “Trò này điên khùng, không đáng ngồi học lâu hơn” đã khiến bà Nancy – mẹ của Al hết sức tức giận. Vốn trước đây từng là giáo viên ở Canada, bà quyết định dạy Al học tại nhà. Suốt 6 năm trời, Al được học dần các môn Lịch sử của Hi Lạp, La Mã và sử thế giới. Nhưng môn học yêu thích nhất của cậu chính là khoa học.

Bà Nancy đã có công rất lớn trong việc tạo một nền tảng vững chắc để cậu bé Al sau này có thể tiến xa trên con đường khoa học. Bà không chỉ dạy Al về học vấn mà còn rèn luyện cho cậu một phẩm chất đạo đức tốt đẹp. Al được mẹ nhắc nhở các đức tính thật thà, ngay thẳng, tự tin, cần cù cộng với lòng ái quốc và tình yêu nhân loại.

Sau này khi tài năng và những sáng chế của Thomas Edison đã được toàn thế giới biết đến và công nhận, trong một lần diện kiến Tổng thống Mỹ Rutherford B. Hayes tại Nhà Trắng, ông đã trả lời câu hỏi của tổng thống về việc mình tốt nghiệp kĩ sư ở Mỹ hay tại châu Âu. Bằng cách đưa ra một tờ giấy gấp tư trong đó có dòng nhận xét của thầy hiệu trưởng gửi về cho gia đình, ông đã khiến cho tất cả mọi người phải kinh ngạc. Nội dung trong tờ giấy có đoạn: “… trò T. Edison, con trai ông, là một trò dốt, lười và hư. Tốt nhất là nên cho trò ấy đi chăn lợn thì hơn vì chúng tôi thấy rằng, trò ấy có học nữa thì sau này cũng không làm được trò trống gì…”.

Nếu không có sự tin tưởng và thấu hiểu từ phía gia đình chắc chắn cả thế giới sẽ phải tiếc nuối và ân hận. Sau này, Thomas Edison đã tỏ lòng biết ơn dành cho mẹ rằng: “Mẹ tôi đã tạo ra tôi. Bà luôn tin tưởng tôi. Tôi cảm thấy rằng mình có một lý do gì đó để sống, một ai đó để không thể làm thất vọng”. Quả thật, ông đã không khiến cho gia đình, đặc biệt là người mẹ kính yêu của mình phải thất vọng. Thomas Edison được coi là nhà sáng chế giàu ý tưởng nhất trong lịch sử.

Nhà khoa học không ngừng học

“Thiên tài gồm 2% cảm hứng và 98% cực nhọc” là câu nói nổi tiếng của Edison về tinh thần học tập và lao động miệt mài không ngừng nghỉ. Trong 84 năm của cuộc đời, trung bình mỗi ngày ông làm việc khoảng 20 giờ. Tới năm 75 tuổi, ông mới chịu giảm bớt thời gian làm việc xuống 16 giờ mỗi ngày. Trong suốt cuộc đời của mình, ông đã đọc hơn 10.000 cuốn sách bằng cách “ăn bớt thời giờ làm việc để ngốn hết 3 cuốn sách mỗi ngày”. Ngoài học vấn về khoa học và sử học, ông còn là một học giả chuyên khảo cứu nền văn minh Hi Lạp và La Mã.

Năm 10 tuổi, cậu bé Al được cha cho cuốn sách về khoa học của soạn giả Parker. Cuốn sách giảng giải về máy điện báo, máy hơi nước,… đã trả lời cho cậu bé hiếu kì rất nhiều câu hỏi mà trước kia cậu thắc mắc. Cuốn sách đã dẫn đường cho cậu bé ham học này tới phạm vi rộng lớn của khoa học.

Năm 12 tuổi, cậu bé Al xin phép ba mẹ ra ngoài kiếm việc làm. Công việc đầu đời của cậu là bán báo, tạp chí, sách vở trên xe lửa chạy chuyến Port Huron đến Detroit dài 101 cây số. Từ đó, Al tự giác thức dậy lúc 6h sáng để đáp chuyến xe lửa 7h và tới Detroit lúc 10h. Sau đó cậu bé chăm chỉ tới thư viện và nghiền ngẫm đọc sách cho đến tận 6h chiều. Ít khi nào Al ngủ trước 11h đêm vì cậu còn phải làm các thí nghiệm hóa học trong hơn một giờ đồng hồ.

Khi Thomas Edison trở thành một chàng thanh niên khỏe mạnh, cởi mở và chân thật, chàng được rất nhiều bạn bè yêu quý. Nhưng cách làm việc của Thomas khiến cho bạn bè coi chàng là người kì quặc. Quần áo của Thomas cũ kĩ, đôi giày đã mòn đế cũng không khiến chàng bận tâm. Chàng dồn hết tiền bạc để mua sách vở khoa học và dụng cụ thí nghiệm.

Những sáng chế làm thay đổi thế giới

Trong hơn 1.000 sáng chế của Thomas Edison thì máy hát, bóng đèn điện và máy chiếu phim là ba sáng chế vĩ đại làm thay đổi cục diện lịch sử và cuộc sống của nhân loại. Ông được dân chúng phong tặng danh hiệu là “thầy phù thủy ở Menlo Park”.


Thomas-Edison

Thomas Edison cho ra đời bóng đèn điện đầu tiên tại phòng thí nghiệm ở New Jersey vào cuối năm 1879

Thomas Edison bắt đầu nghiên cứu về bóng đèn điện từ tháng 3 năm 1878. Hàng ngàn cuộc thử nghiệm, nghiên cứu diễn ra bền bỉ đến tận tháng 10 năm 1879, chiếc bóng đèn điện đầu tiên của nhân loại đã ra đời, chiếu sáng đến tận 40 giờ liên tục. Ngày 31 tháng 12 năm 1879, một chuyến xe lửa đặc biệt mang theo hơn 3.000 người hiếu kì xuôi ngược New York – Menlo Park để tận mắt quan sát bóng đèn điện. Đêm hôm đó, tất cả các nhà khoa học, giáo sư, nhân viên chính quyền cùng toàn bộ người dân vùng Menlo Park tràn ngập trong ánh sáng chan hòa của một thứ đèn mới thay thế cho loại đèn sử dụng chất đốt thông thường.

Máy hát – chiếc máy có thể thu, phát âm thanh và máy chiếu phim – ghi, phát các hình ảnh động do Edison sáng chế đã mở ra một ngành kĩ nghệ rộng lớn trên thế giới, cung cấp phương tiện giải trí nghe nhìn cho hàng tỉ người trên thế giới.

Ngày 18 tháng 10 năm 1931, Thomas Edison lìa trần. Đúng 3 ngày sau là sinh nhật lần thứ 52 của chiếc bóng đèn điện đầu tiên do ông sáng chế. Cái chết của Thomas Edison để lại niềm tiếc thương vô hạn cho gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và nhân dân toàn thế giới. Để bày tỏ lòng tôn kính, toàn bộ đèn điện trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ đều tắt trong một phút. Cả thế giới lặng đi, vĩnh viễn chia tay nhà sáng chế đại tài, người đã tạo ra “mặt trời thứ hai” cho nhân loại.

Bài viết tham khảo: Trở thành “Vua kính Italy” từ con số không và những năm tháng nhọc nhằn

Để lại một bình luận