Chỉ một nửa số DN đang hoạt động đóng bảo hiểm xã hội, tình trạng nợ, chiếm dụng tiền xảy ra phổ biến… là những nguyên nhân khiến quỹ bảo hiểm có thể mất cân đối vào năm 2021. Vì vậy, việc bổ sung tội danh vi phạm về BHXH, BHYT vào Bộ luật Hình sự (sửa đổi) để có cơ sở xử lý tổ chức, đơn vị cố tình trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) là yêu cầu cần thiết.
Hành vi trốn đóng, chiếm dụng tiền đóng BHXH gây hậu quả nghiêm trọng đang được xem xét, đề nghị đưa vào dự thảo bộ luật Hình sự
Theo thống kê của BHXH VN đưa ra tại cuộc họp báo quý 1/2015, tổng số tiền nợ BHXH trên cả nước tính đến cuối năm 2014 là 7.279 tỉ đồng, trong đó nợ bảo hiểm xã hội 5.578 tỉ đồng (chiếm 76,63% tổng số nợ), còn lại là nợ bảo hiểm thất nghiệp và nợ BHYT. Đáng chú ý, trong số các đơn vị nợ BHXH, BHYT, có đến trên 8.000 đơn vị (với số lao động lên đến hơn 30.000 người) đã ngừng hoạt động. Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2015, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN đã lên tới 13.761 tỷ đồng (tăng 90% so với cuối năm 2014).
Tình trạng vi phạm không thuyên giảm
Có thể thấy, những năm gần đây, các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT liên tục gia tăng và phức tạp, xảy ra ở hầu hết các khâu như: Lập tờ khai cấp sổ BHXH lần đầu, ghi và xác nhận thời gian công tác; thu nộp BHXH, BHYT; quản lý hồ sơ, giải quyết chế độ chính sách… Chủ yếu ở các nhóm như: Vi phạm nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT; vi phạm quyền thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT và liên quan đến việc quản lý, thực hiện BHXH, BHYT. Tình trạng trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN xảy ra ở hầu hết các địa phương ngày càng nhiều và phổ biến nhất vẫn ở DN ngoài quốc doanh.
Đây là nguyên nhân gây thiệt hại lớn tài chính cho Quỹ BHXH, Quỹ BHYT, là tồn tại gây khó khăn rất lớn cho cơ quan BHXH nhiều năm nay, “chủ sử dụng lao động gần như đã bỏ rơi người lao động (NLĐ) với số tiền nợ BHXH, không thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm đối với NLĐ, không hợp tác với cơ quan BHXH để giải quyết chế độ đối với NLĐ” – ông Đỗ Văn Sinh – Phó Tổng Giám đốc BHXH VN chia sẻ với DĐDN.
Bên cạnh đó, tình trạng làm giả, mua bán giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng chế độ BHXH cũng gia tăng. Đơn cử, tại tỉnh Bình Dương và Đồng Nai, cơ quan BHXH phát hiện gần 1.000 giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng chế độ BHXH làm giả, phô tô màu, tẩy xóa; Hải Phòng hơn 400 hồ sơ, Thanh Hóa hơn 200 hồ sơ, Thái Bình hơn 300 hồ sơ và Lào Cai gần 500 hồ sơ… bị làm sai lệch một số nội dung, trong đó chủ yếu là sai lệch thời gian đóng BHXH. Tình trạng lập khống hồ sơ về thời gian tham gia BHXH ở nhiều địa phương và có chiều hướng gia tăng.
Ông Sinh cho biết, mặc dù ngành BHXH đã sử dụng hầu hết các biện pháp thu hồi nợ BHXH, BHYT như: thanh tra kiểm tra, áp dụng chế tài xử phạt các hành vi nợ BHXH, BHYT, nhưng tình trạng vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT vẫn không thuyên giảm. Việc khởi kiện các đơn vị vi phạm BHXH, BHYT ra tòa cũng là một vấn đề nan giải, chưa nói đến việc thu hồi tiền nợ. Trong năm 2014, có 50 cơ quan BHXH địa phương tiến hành khởi kiện 5.832 DN, đơn vị với số tiền nợ BHXH, BHYT là 2.445 tỉ đồng, thu hồi được 621 tỉ đồng. Một số BHXH tỉnh, thành phố có tỷ lệ nợ cao gồm: Lai Châu (12,6%), Hà Nội (6,7%), Hòa Bình (6,4%), Bình Định (6,2%), Phú Yên (5,1%). Có thể nói, các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT đã gây hậu quả nghiêm trọng, không chỉ thiệt hại về vật chất, ảnh hưởng đến Quỹ BHXH, BHYT mà còn xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động; ảnh hưởng đến an toàn, cân đối Quỹ cũng như làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật và mục tiêu về các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. – ông Sinh cho biết.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ tăng nhanh được BHXH VN chỉ ra là do tình hình kinh tế còn khó khăn, sản xuất kinh doanh đình đốn, sức mua thị trường giảm, nhiều DN phá sản, giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động không có khả năng đóng BHXH. Tuy nhiên, còn một lý do quan trọng hơn theo các chuyên gia đó là do quy định mức lãi suất chậm đóng BHXH thấp hơn mức lãi suất của ngân hàng, vô tình khuyến khích DN cố tình để nợ tiền BHXH nhằm chiếm dụng. Trong khi đó, cơ quan BHXH chỉ có nhiệm vụ kiểm tra, phát hiện những vi phạm về BHXH, nhưng lại không được quyền thanh tra, xử phạt nên hiệu quả công tác kiếm tra của cơ quan BHXH không cao.
Có thể bị phạt tù
Theo Trưởng ban Pháp chế – BHXH Việt Nam, Luật BHXH, Luật BHYT cho phép truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT. Tuy nhiên, Bộ luật hình sự hiện hành không quy định tội danh cụ thể đối với những hành vi này nên không xử lý được. Do vậy, đưa tội danh trốn đóng BHXH, BHYT vào Bộ luật Hình sự (sửa đổi) tới đây là yêu cầu cần thiết.
Về vấn đề này, đại diện Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật – Bộ Tư pháp cho rằng, cần xác định rõ tên tội danh BHXH, BHYT bởi hai vấn đề này hoàn toàn khác nhau. BHXH là trốn đóng của người lao động, nhưng BHYT không chỉ liên quan đến người lao động mà còn liên quan đến nhiều đối tượng khác như trẻ em, người dân nghèo, học sinh. Vì vậy, hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT cần quy định tên gọi chung và cần có định lượng số lượng trốn đóng để truy cứu trách nhiệm hình sự. Với phương án trên khó truy cứu trách nhiệm người đứng đầu được, vì quyết định trốn đóng có thể là của tập thể. Tội danh vi phạm BHXH, BHYT rất giống tội danh vi phạm thuế nên chúng ta quy định ghép vào tội trốn thuế sẽ khả quan hơn…
Theo đánh giá, Nghị định 95 xử phạt vi phạm hành chính về BHXH, BHYT đã quy định cụ thể số người lao động trốn đóng BHXH, BHYT, do đó không nên quy định số người trốn đóng ở Bộ luật Hình sự mà cần quy định số tiền trốn cụ thể. Bên cạnh đó cũng cần quy định miễn truy cứu trách nhiệm hình sự khi đơn vị đã khắc phục được hậu quả trước khi xét xử- vị đại diện này chia sẻ.
Ông Bùi Sỹ Lợi – Phó chủ nhiệm ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định, sẽ bổ sung những quy định nhằm ngăn chặn sai phạm trong BHXH. Đặc biệt, hành vi trốn đóng, chiếm dụng tiền đóng BHXH gây hậu quả nghiêm trọng đang được xem xét, đề nghị đưa vào dự thảo bộ luật Hình sự. Ông Lợi cho biết, hành vi vi phạm pháp luật về BHXH sẽ bị xử lý theo nhiều cấp độ khác nhau tùy theo tính chất, mức độ vi phạm. Hiện nay, các cơ quan đang kiến nghị xem xét xử lý hình sự việc trốn đóng, chiếm dụng Quỹ BHXH gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, vấn đề không phải là xử lý hình sự hay không mà là phải đảm bảo tính công bằng, khách quan trong quá trình xử lý các hành vi vi phạm và các cơ quan thực thi pháp luật phải nghiêm minh, kiên quyết xử lý, theo đuổi các vấn đề sau khi thanh tra, kiểm tra, giám sát để buộc DN phải điều chỉnh hành vi và tuân thủ pháp luật – ông Lợi nói.
Hành vi trốn đóng BHXH BHYT cần phải xử lý hình sự theo hai phương án:
Thứ nhất, không đóng đủ từ 3 tháng trở lên với số tiền từ 100 triệu đồng thì bị phạt gấp 3 lần; phạm một trong các trường hợp (không đóng từ 300 đến dưới 600 triệu đồng; không đóng từ 50 -100 lao động; đã thu phần đóng nhưng không nộp), bị phạt tiền gấp 5 lần số tiền trốn đóng; gấp 7 lần với các trường hợp như trốn đóng từ 600 triệu đồng trở lên; từ 100 lao động trở lên; đã bị kết án về tội này mà chưa được xóa án tích…
Thứ hai, phạt tiền từ 3 – 5 lần số tiền trốn đóng, phải cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm với tội trốn đóng từ 100 đến dưới 300 triệu đồng; trốn đóng từ 30 – 100 người gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này nhưng chưa hết thời hạn được coi là xóa vi phạm mà tiếp tục vi phạm. Phạt tiền từ 5 – 7 lần số tiền trốn đóng hoặc phạt tù từ 2 – 7 năm với hành vi có tổ chức, phạm tội nhiều lần, trốn đóng từ 300 đến dưới 1 tỷ đồng, không đóng từ 100- 300 lao động và gây hậu quả nghiêm trọng. Phạt tiền gấp 10 lần hoặc bị phạt tù từ 5- 10 năm với số tiền trốn đóng trên 1 tỷ đồng; trên 300 lao động không được đóng; gây hậu quả nghiêm trọng…
Bài viết tham khảo: Trợ cấp mất việc làm được chi trả trong trường hợp nào ?