Thế giới ngày càng phẳng. Ứng viên ngày càng chuyên nghiệp hơn. Đối thủ cạnh tranh vừa mạnh tiền, vừa giỏi trí ngày càng đông đảo. Vì vậy, để có được người tài, nhà tuyển dụng càng cần phải chuyên nghiệp hơn.
Trong khi hầu hết lãnh đạo doanh nghiệp đều than phiền rằng họ không thể tìm được ứng viên đủ năng lực như mong đợi; rằng ứng viên vừa yếu, vừa thiếu kỹ năng, không đáp ứng được yêu cầu công việc… thì dưới góc độ của người tìm việc, họ lại dễ dàng nhận ra, công tác tuyển dụng của các doanh nghiệp trong nước còn nhiều việc đáng bàn.
Thứ nhất: Khâu xây dựng tiêu chí tuyển dụng.
Đa phần doanh nghiệp trong nước của chúng ta chưa có được bộ tiêu chuẩn năng lực làm căn cứ để tuyển dụng mà chỉ khi cần người mới đi xây dựng tiêu chí tuyển dụng. Vì vậy, tiêu chí thường vừa thiếu các yếu tố cần thiết, vừa thừa tiêu chí cảm tính, khó đo lường, thậm chí là xa rời thực tế nên đã bỏ lỡ nhiều ứng viên tiềm năng.
Thứ hai: Quy trình & thủ tục tuyển dụng thiếu linh hoạt
Nếu như các doanh nghiệp “tiên tiến” chỉ cần có thông tin ứng viên (có thể lấy từ các trang mạng tuyển dụng) đã có thể mời ứng viên phỏng vấn và ra quyết định tuyển dụng chỉ trong vài ngày thì nhiều doanh nghiệp của chúng ta vẫn có những yêu cầu “không dễ chịu” như:
– Bắt buộc phải nộp hồ sơ bản cứng
– Hồ sơ đầy đủ các giấy tờ, yêu cầu công chứng, bản sao bằng cấp…
– Chỉ mời phỏng vấn những hồ sơ đạt yêu cầu, nhưng …không hoàn lại hồ sơ không đạt yêu cầu
Thử đặt mình vào vị trí ứng viên, liệu bạn có thích điều đó? Có bao nhiêu người luôn sẵn sàng bỏ ra nhiều thời gian, công sức và tiền bạc… để chuẩn bị rất nhiều các bộ hồ sơ với đầy đủ các yêu cầu của nhà tuyển dụng? Rồi khi những bộ hồ sơ đó bị loại ngay khi còn chưa được xem xét đủ và bị biến thành giấy lộn, ứng viên sẽ thấy thất vọng hay thậm chí bị xúc phạm như thế nào? Trong thời đại khoa học công nghệ ngày càng phát triển như hiện nay, cớ sao không chịu “update” những xu hướng tuyển dụng linh hoạt và “dễ chịu” hơn? Hãy yêu cầu những điều đó chỉ khi thực sự cần thiết!
Đấy là còn chưa kể đến những trường hợp, ứng viên phải đi lòng vòng phỏng vấn qua nhiều phòng ban, nhiều sếp để cho các sếp có sự lựa chọn đa dạng và phong phú hơn. Rồi đến khi ra quyết định tuyển dụng thì ứng viên đã yên vị tại công ty đối thủ cạnh tranh.
Thứ 3: Thiếu kỹ năng tuyển dụng
Ở các nước có nền kinh tế phát triển, các buổi phỏng vấn tuyển dụng của các doanh nghiệp có sự tham giam của cả một hội đồng tuyển dụng, với nhiều người đặt câu hỏi và cùng đánh giá về một ứng viên. Trước khi gặp ứng viên trức tiếp, hội đồng tuyển dụng xem xét rất kỹ hồ sơ ứng viên, xác minh tính trung thực của hồ sơ, chuẩn bị trước các câu hỏi… và đương nhiên trước khi gặp ứng viên, họ đã có khá đầy đủ thông tin về ứng viên.
Trong khi đó ở Việt Nam, hoạt động phỏng vấn thường chỉ do một người đảm nhận, việc xem xét hồ sơ, xác minh tính trung thực cũng như sự chuẩn bị cho buổi phỏng vấn cũng qua loa, đại khái. Nhiều trường hợp, nhà tuyển dụng vừa phỏng vấn vừa đọc hồ sơ của ứng viên mà trước đó chưa hề lướt qua bản hồ sơ này. Lý do cho việc bỏ qua khâu chuẩn bị trước phỏng vấn này chủ yếu là nhà tuyển dụng “sợ mất công” nếu như ứng viên được gọi không đến phỏng vấn.
Thậm chí có những trường hợp, nhà tuyển dụng lúng túng trong việc đặt các câu hỏi, chứ chưa nói đến việc đánh giá các câu trả lời của ứng viên. Nhiều câu hỏi được đặt ra không có mục đích, chỉ nhằm lấp khoảng trống, hoặc là những câu hỏi mà bản thân mình cũng khó trả lời chứ không nói gì đến ứng viên…Có những khi, nhà tuyển dụng lại đánh giá ứng viên một cách chủ quan, cảm tính. Vấn đề chỉ đơn giản là, người phỏng vấn có thích, có cảm tình với ứng viên hay không.
Hệ quả là, ứng viên sáng giá thì dễ dàng bị để “lọt”, ứng viên “xảo quyệt” thì “dắt mũi” để NTD có quyết định sai lầm; khiến cho đầu vào của doanh nghiệp kém chất lượng.
Thứ tư: Bỏ qua khâu hội nhập
Hầu hết các doanh nghiệp của chúng ta còn không có công tác này. Một là khiến ứng viên được tuyển vào thấy lạc lõng và không có hiệu quả công việc tốt nhất có thể. Hai là, ứng viên tài giỏi sẵn sàng rời bỏ doanh nghiệp khi thấy không được tôn trọng, hoặc thấy doanh nghiệp chưa đủ “tầm” để mình tận lực cống hiến.
Thứ năm: Chính sách thiếu nhất quán
Từ những chính sách nhân sự không rõ ràng, thiếu nhất quán khiến không chỉ nhân viên lâu năm mà cả những ứng viên vừa được tuyển thấy “ngao ngán”. Việc họ rời khỏi doanh nghiệp cũng không phải chuyện lạ. Tệ hơn, doanh nghiệp cũng khó có thể thu hút ứng viên tài giỏi và chuyên nghiệp. Và hẳn nhiên, khi không có được nguồn nhân lực có chất lượng hoặc không biết cách tận dụng và phát huy tối đa năng lực của yếu tố “con người” của mình, thì các doanh nghiệp cũng khó có thể mở rộng và phát triển hoạt động sản xuất – kinh doanh của mình.
Trong thế giới phẳng như hiện nay, muốn có người tài, muốn nguồn nhân lực chất lượng cao, muốn thu hút và có được những ứng viên chuyên nghiệp, bản thân nhà tuyển dụng cũng phải chuyên nghiệp !
Bài viết tham khảo: Bí quyết đăng tin tuyển dụng hiệu quả