Trước áp lực của việc làm, người lao động Việt Nam chưa dám mạnh dạn thương lượng mức lương với người sử dụng lao động. Và cho đến thời điểm này, thương lượng tiền lương vẫn là một vấn đề rất mới trong giới lao động Việt Nam, đặc biệt là lao động phổ thông.
Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho rằng, đây là một trong những lý do làm cho mức lương của người lao động Việt Nam thấp so với khu vực.
Hãy thương lượng mức lương
Thứ trưởng Phạm Minh Huân nhận định, tiền lương của người lao động Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất khu vực ASEAN, một phần do năng suất lao động thấp. Tuy nhiên, không ít người lao động bị ép buộc nhận lương thấp vì hạn chế khả năng thỏa thuận với chủ doanh nghiệp.
Do đó, thỏa ước tiền lương tập thể trong doanh nghiệp được kỳ vọng là công cụ hữu hiệu bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động trong đó có nội dung về tiền lương là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, nó chỉ có ý nghĩa khi có giá trị thật, đó là nội dung thật, thương lượng thật, đại diện ký kết thật và thực hiện thật. Nghĩa là phải có tổ chức thực hiện tất cả các nội dung đã ký kết, thỏa thuận.
Theo thứ trưởng Huân, một trong những nguyên nhân khiến lương của người lao động Việt Nam thấp là, trước áp lực của việc làm, người lao động Việt Nam chưa dám mạnh dạn thương lượng mức lương với người sử dụng lao động. Và cho đến thời điểm này, thương lượng tiền lương vẫn là một vấn đề rất mới trong giới lao động Việt Nam, đặc biệt là lao động phổ thông. Lỗ hổng này thường dẫn tới đình công tự phát khi người lao động tìm cách đạt được những cải thiện về tiền lương hoặc điều kiện làm việc.
Đơn cử như, mặc dù ngành dệt may đã có thỏa ước lao động tập thể ngành trong đó có quy định mức tiền lương chung nhưng thực sự người lao động chưa thành công trong việc thương lượng mức lương với người sử dụng lao động.
Với tỷ lệ lao động làm công ăn lương gia tăng trên tổng số lao động có việc làm, và nền kinh tế hội nhập sâu hơn vào các thị trường toàn cầu, việc cải thiện và mở rộng thương lượng tập thể về tiền lương trở thành một nhu cần cấp thiết nhằm thúc đẩy một môi trường quan hệ lao động mang tính xây dựng và hài hòa.
Tiếng nói tập thể
Vấn đề thương lượng tiền lương tập thể trong doanh nghiệp được kỳ vọng là công cụ hữu hiệu bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động trong đó có nội dung về tiền lương là hết sức quan trọng.
“Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, thương lượng tiền lương tập thể trong doanh nghiệp, chỉ có ý nghĩa khi có giá trị thật, đó là nội dung thật, thương lượng thật, đại diện ký kết thật và thực hiện thật. Nghĩa là, phải có tổ chức thực hiện tất cả các nội dung đã ký kết, thỏa thuận”, Thứ trưởng Huân nói.
Song song với đó, khi tham gia ký kết hợp đồng lao động, người lao động cần phải thoả thuận rõ về mức tiền lương và phụ cấp lương cụ thể cho từng công việc phù hợp với khả năng của mình cũng như hiệu quả của doanh nghiệp.
Đặc biệt, phải thoả thuận được mức lương tối thiểu, phương thức điều chỉnh tiền lương khi giá cả thị trường biến động hoặc Nhà nước thay đổi tiền lương tối thiểu chung; nguyên tắc nâng bậc lương, thời gian trả lương, nguyên tắc chi thưởng và mức thưởng cho từng loại công việc…
Khẳng định rằng, xác lập mức lương tối thiểu và thương lượng tiền lương tập thể là hai công cụ quan trọng, bổ trợ cho nhau trong hệ thống điều chỉnh tiền lương của một nền kinh tế thị trường. Trong khi mức lương tối thiểu bảo vệ những người lao động nghèo nhất, thương lượng tiền lương tập thể đem lại cơ hội điều chỉnh tiền lương cho những người có thu nhập cao hơn mức lương tối thiểu.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Huân cũng nhấn mạnh, việc có tăng lương bằng thương lượng được hay không còn phụ thuộc vào năng suất lao động và chất lượng của người lao động. Trả lương như thế nào, xây dựng thang bảng lương sao cho phù hợp phụ thuộc vào doanh thu và mục tiêu của doanh nghiệp.
Và việc xây dựng thang bảng lương là kỹ thuật của doanh nghiệp chứ không phụ thuộc nhiều vào lương tối thiểu do nhà nước quy định. Ví dụ như: lương tối thiểu do nhà nước quy định có thể tăng nhưng quỹ lương của doanh nghiệp thì đã ổn định trước đó, cao hơn mức tối thiểu rồi thì cũng không cần thiết phải thay đổi.
Nếu người lao động nhận phần lương theo quy định của nhà nước tăng thì lương năng suất, lương do doanh nghiệp trả sẽ giảm, như vậy tổng thu nhập của người lao động cũng không tăng.
Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả trong thỏa ước tiền lương tập thể thì việc quan trọng đầu tiên cần phải làm đó là phải nâng cao chất lượng và các điều kiện về thương lượng thực sự hiệu quả.
Bài viết tham khảo: Làm thế nào để lương trở thành đòn bẩy giúp doanh nghiệp phát triển?