Đánh giá ứng viên qua ngôn ngữ cơ thể
Ngôn ngữ cơ thể (Body Language) là loại ngôn ngữ được thể hiện qua cử chỉ, nét mặt, điệu bộ tay chân trong quá trình giao tiếp. Các nhà khoa học đưa ra một nghiên cứu: Lời nói bao gồm 3 yếu tố: Ngôn ngữ; Phi ngôn ngữ và Giọng điệu. Trong đó ngôn ngữ chỉ chiếm 7% tác động đến người nghe, giọng điệu là 38% và quan trọng nhất 55% lại dành cho phi ngôn ngữ (ngôn ngữ cơ thể).
Trong cuộc phỏng vấn, ngoài những câu hỏi kiểm tra đã được chuẩn bị sẵn, nhà tuyển dụng cần quan sát tinh tế ứng viên để từ đó có sự đánh giá tổng thể. Và đương nhiên ngôn ngữ cơ thể là một trong những biểu hiện cho thấy rõ về điều đó.
Đôi mắt
“Đôi mắt giúp bạn cuốn hút người nghe ngay cả khi bạn chưa nói gì”
Trong ngôn ngữ cơ thể, ánh mắt từ lâu đã được xem như dấu hiệu của sự trung thực và chân thành. Nó sẽ lột tả hết tất cả những gì ứng viên đang muốn che dấu bên trong. Hãy chắc chắn rằng đôi mắt ứng viên không tránh né đôi mắt bạn một cách vô thức khi bạn đang muốn giao tiếp với họ qua ánh mắt. Hay bạn có thấy sự rụt rè, sợ hãi, gian dối trong đôi mắt ứng viên hay không? Việc quan sát này không bao giờ là thừa trong việc giúp bạn có một quyết định tuyển dụng đúng đắn cả!
Cơ thể
Hãy quan sát ngôn ngữ cơ thể của ứng viên khi đang nói. Thử xem rằng ngôn từ đang diễn tả có ăn khớp với những gì cơ thể của họ thể hiện? Hay ứng viên có tật nhún vai khi đáp trả câu hỏi họ không biết? Tư thế ngồi với vai và cánh tay cứng đờ, không tự nhiên? Tay liên tục vuốt tóc, gãi đầu? Rung đùi? Dùng chân di di trên sàn nhà?… Quan sát một chút và giải mã các dấu hiệu của ngôn ngữ cơ thể, bạn sẽ có những phát hiện thú vị hơn về ứng viên thay vì chỉ nghe những gì họ nói.
Nụ cười
Một người có nụ cười rạng rỡ luôn tạo ra các dấu hiệu tích cực. Một ứng viên thông minh sẽ biết cách dùng nụ cười để khiến bản thân bình tĩnh cũng như gây được ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng. Chắc chắn một ứng viên luôn tự tin khi trả lời câu hỏi cùng gương mặt biểu cảm cùng nụ cười tươi sẽ đáng để bạn đánh giá cao hơn một ứng viên “tiết kiệm” nụ cười. Bởi “Nụ cười luôn mang 1 ý nghĩa lớn lao hơn đơn thuần chỉ là sự sảng khoái”
Giọng nói
Tùy vào vị trí công việc mà công ty bạn đang tuyển dụng mà yêu cầu về giọng nói với ứng viên cũng khác nhau. Chắc chắn với các công việc yêu cầu giọng nói truyền cảm như: quan hệ với báo chí, Telesale hay nhân viên trực tổng đài thì giọng nói là yêu cầu thiết yếu rồi.
Tuy nhiên, với các vị trí công việc không yêu cầu quá đặc biệt ở giọng nói, cũng không có nghĩa nó không được đánh giá cao. Chắc hẳn một ứng viên với giọng nói dễ nghe, tự tin và dứt khoát sẽ “được lòng” bạn hơn là một ứng viên có giọng nói “the thé”, thiếu tự tin và ậm ừ…
Để ý một chút bạn sẽ thấy: Nói chậm rãi thường là biểu hiện của một ứng viên bình tĩnh, tự tin và thư thái. Nói nhanh có thể là dấu hiệu của sự lo lắng, mất bình tĩnh, hoặc đôi khi nó cũng thể là dấu hiệu của người nhiệt tình.
Trên đây là một số ngôn ngữ cơ thể quan trọng mà bạn nên chú ý khi giao tiếp và phỏng vấn ứng viên. Chắc chắn nó sẽ giúp bạn phát hiện ra nhiều điều thú vị về ứng viên cũng như có một quyết định sáng suốt hơn cho vị trí mình đang tuyển dụng.
Bài viết tham khảo: 6 Kỹ năng lãnh đạo cần thiết nhất