Quyền lợi của người lao động khi mất việc

Worklink

Điều 49 Bộ Luật Lao động sửa đổi năm 2012 quy định, người sử dụng lao động trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ 12 tháng trở lên mà bị mất việc, mỗi năm làm việc trả một tháng tiền lương.


that-nghiệp

Hình ảnh minh họa


1. Quyền lợi khi mất việc làm


Khoản 10, điều 36 Bộ Luật Lao động quy định, vì lý do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhập, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, hợp tác xã, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước.

Theo quy định tại Điều 49 Bộ Luật Lao động sửa đổi năm 2012, người sử dụng lao động trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm theo quy định tại Điều 44 và Điều 45, mỗi năm làm việc trả một tháng tiền lương nhưng ít nhất phải bằng 2 tháng tiền lương.

Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc. Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 6 tháng liền kề trước khi người lao động mất việc làm.


2. Quyền lợi về hưởng trợ cấp thất nghiệp

Căn cứ Thông tư 04/2013/TT- BLĐTBXH ngày 1/3/2013, người thất nghiệp được hưởng bảo hiểm thất nghiệp khi:

a) Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo đúng quy định của pháp luật.

Tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động được tính nếu người sử dụng lao động và người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp, người lao động đã thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc ít nhất một ngày trong tháng đó.

b) Đã đăng ký thất nghiệp với Trung tâm Giới thiệu việc làm thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật.

c) Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày tính theo ngày làm việc kể từ ngày đăng ký thất nghiệp với Trung tâm Giới thiệu việc làm theo quy định tại Điểm b Khoản này, ngày thứ nhất trong 15 ngày nêu trên là ngày ngay sau ngày người lao động đăng ký thất nghiệp, tính theo ngày làm việc.


Đăng ký thất nghiệp theo quy định tại Điều 34 Nghị định số 127/2008/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung như sau:

Trong 3 tháng kể từ ngày người lao động bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, nếu người lao động chưa có việc làm mà có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động phải trực tiếp đến Trung tâm Giới thiệu việc làm nơi đã làm việc trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc để đăng ký thất nghiệp.

Trường hợp người lao động có nhu cầu đăng ký thất nghiệp tại Trung tâm Giới thiệu việc làm không phải là nơi đã làm việc trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc thì khi đăng ký thất nghiệp phải có xác nhận về việc chưa đăng ký thất nghiệp của Trung tâm Giới thiệu việc làm nơi đã làm việc trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Người lao động đề nghị xác nhận chưa đăng ký thất nghiệp theo mẫu 1a ban hành kèm theo Thông tư này, Trung tâm Giới thiệu việc làm nơi đã làm việc trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc có trách nhiệm xem xét và xác nhận việc chưa đăng ký thất nghiệp cho người lao động theo mẫu số 1b ban hành kèm theo Thông tư này.

Hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điều 37 của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung, bao gồm:

a) Đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo mẫu số 3 ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Bản sao hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc hoặc quyết định thôi việc hoặc xác nhận của đơn vị cuối cùng trước khi thất nghiệp về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo đúng quy định pháp luật.

Đồng thời, người lao động phải xuất trình sổ Bảo hiểm xã hội có xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp hoặc bản xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Người lao động phải trực tiếp nộp đầy đủ hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp trong thời hạn 15 ngày tính theo ngày làm việc kể từ ngày đăng ký thất nghiệp (ngày thứ nhất trong thời hạn 15 ngày là ngày làm việc ngay sau ngày người lao động đăng ký thất nghiệp).

Trung tâm Giới thiệu việc làm chỉ nhận hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp khi đã đầy đủ các giấy tờ theo quy định, sau khi nhận hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp phải trao lại cho người lao động phiếu hẹn trả lời kết quả theo mẫu số 4 ban hành kèm theo Thông tư này.

Mức trợ cấp thất nghiệp được hưởng căn cứ theo điều 16, Nghị định 127/2008 ngày 12/12/2008 được hiểu là khoản tiền hằng tháng được trả cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi bị thất nghiệp có đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định.

Mức trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng phụ thuộc vào thời gian làm việc có đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động và tổng thời gian được hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 82 của Luật Bảo hiểm xã hội.

Bài viết tham khảo: Thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp

Để lại một bình luận